Vi phạm pháp luật đất đai: Quận khó xử lý vì không có thẩm quyền
Theo số liệu thống kê của UBND quận Hai Bà Trưng, hiện nay trên địa bàn quận đang có 382 tổ chức sử dụng 476 thửa đất. Theo rà soát của các phường thì có tới 46 tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trong quá trình sử dụng. Các tổ chức vi phạm chủ yếu là một số doanh nghiệp Nhà nước trước đây được giao nhiều đất để sản xuất kinh doanh nhưng do sử dụng kém hiệu quả nên họ cho thuê lại, chuyển nhượng trái pháp luật.
Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo quận, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của các tổ chức sử dụng lại diện tích đất này gặp nhiều khó khăn dù đã được chính quyền quận rất quan tâm. Lý do khiến việc xử lý gặp khó khăn là vì thẩm quyền giải quyết không thuộc về quận. Sau khi tiến hành kiểm tra liên ngành, quận đã lập hồ sơ và trình TP thu hồi đất của 3 đơn vị là: Công ty TNHH Kali tại 53 Lê Đại Hành để chuyển sang xây trường mầm non Lê Đại Hành; Công ty CP Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà tại địa chỉ 887 Bạch Đằng để làm trụ sở Công an đội 4; Công ty TNHH Hương Đạt (trước là tổ hợp tác Việt Hùng). Bên cạnh đó, quận cũng báo cáo kiến nghị xử lý hành vi vi phạm của 11 đơn vị sử dụng đất khác có dấu hiệu vi phạm; đồng thời phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh 13 đơn vị… Lãnh đạo quận lý giải, khó khăn về tài chính của chủ đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm đưa đất vào sử dụng.
Có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai không xử lý được do cấp quận không có thẩm quyền xử lý. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp Online |
Trong công tác GPMB, tại quận Hai Bà Trưng cũng có những dự án trọng điểm chuyển tiếp giữa hai cơ chế chính sách (trước và sau 1/7/2014, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), có nhiều khác biệt nên các hộ dân dễ so bì, dẫn đến có nhiều đơn thư. Một số chủ đầu tư cũng chưa phối hợp tốt với quận để thực hiện dẫn đến chậm tiến độ của dự án như dự án xây dựng dải đất Nam đường Đại Cồ Việt do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ. Theo lãnh đạo quận, tháng 10/2014, TP đã có thông báo yêu cầu quận phối hợp với chủ đầu tư để GPMB, tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, và hoàn thành chậm nhất vào quý I/2015, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa chuẩn bị đủ điều kiện để triển khai GPMB.
Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận cũng nêu ra nhiều ví dụ về các dự án chậm tiến độ khác và nhấn mạnh đến nghịch lý trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn là của quận nhưng thẩm quyền xử lý lại không thuộc về quận. Ví dụ điển hình là dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, hứa với người dân sau 3 năm là xong nhưng đến nay, sau 5 năm vẫn chưa xong. Quận đề nghị TP sớm ban hành quy định hướng dẫn việc kiểm tra, xử phạt, lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất vi phạm của các tổ chức này. Còn với những đơn vị sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm, quận đề nghị TP kiên quyết chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ, xử lý vi phạm, thu hồi đất.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP cũng đề nghị quận Hai Bà Trưng tiếp tục rà soát các dự án trên địa bàn để có số liệu thống kê đầy đủ nhất về các dự án vi phạm. Từ đó, phân loại và báo cáo TP hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp, cung cấp thông tin cho quận về các dự án được gia hạn để chủ động trong giám sát, quản lý. Tránh tình trạng dự án được gia hạn, nhưng lãnh đạo địa phương lại không biết.
- 125
- By Admin
- 16/04/2015
- 17