Vì an toàn công trình, vẫn cần có bản vẽ
Nhà nước không can thiệp vào chuyên môn
- Nghị định 64/2012 yêu cầu hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm bản vẽ kết cấu (chi phí cho bản vẽ này rất tốn kém, có khi hơn chục lần bản vẽ xin phép xây dựng - PV). Việc này có đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước là phải giản tiện tối đa hồ sơ hành chính?
- Ông Hoàng Thọ Vinh: Cấp phép xây dựng có mục tiêu là bảo đảm an toàn công trình. Không lẽ xây nhà mà không có bản vẽ thi công? Điều 72 Luật Xây dựng cũng đã yêu cầu trước khi khởi công phải có bản vẽ thi công.
Những công trình thuộc diện phải được thẩm định thiết kế thì trong bộ bản vẽ thi công đã có bản vẽ kết cấu, chủ đầu tư chỉ cần phôtô để nộp. Như vậy đâu có khó khăn gì cho họ? Nhà nước không can thiệp vào chuyên môn mà chỉ cần biết là đã có một phương án thi công được phê duyệt đúng quy định.
Làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận Tân Bình, Tp.HCM. Ảnh: HTD |
- Nhưng có thể chủ đầu tư sẽ nộp bản vẽ theo kiểu đối phó, chỉ cần có dấu mộc của đơn vị nào đó. Như vậy, mục đích quản lý chất lượng công trình cũng đâu đạt được?
- Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan cấp phép sẽ thẩm tra. Về nguyên tắc, ai ký tên, đóng dấu lên bản vẽ, người đó phải chịu trách nhiệm.
- Nhà ở riêng lẻ có thuộc trường hợp phải có bản vẽ kết cấu để xin phép xây dựng hay không, thưa ông?
- Nhà ở dưới ba tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 250 m2 thì không cần. Vài tuần nữa, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 64, trong đó nói rõ vấn đề này.
Không đặt ra quy định mới trái luật
- Nghị định 64 đặt ra yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết, thiết kế quy hoạch đô thị để cấp phép xây dựng. Dù đã được lùi thời điểm thực hiện đến ngày 1-7-2013 nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng quy định này gây khó khăn, vướng mắc cho địa phương...
- Về nguyên tắc, cấp phép xây dựng phải dựa vào quy hoạch. Không có quy hoạch thì dựa vào đâu để cấp? Rồi lại dẫn đến sự tù mù không thống nhất, người này được cấp ba tầng nhưng nhà kế bên lại không được như dư luận phản ánh…
Luật Xây dựng năm 2003 đã yêu cầu địa phương phải lập quy hoạch chi tiết và việc cấp phép dựa vào quy hoạch. Nhưng 10 năm qua các địa phương vẫn không làm được. Do đó, không phải là luật khó khăn mà ở đây có phần trách nhiệm của địa phương. Nghị định 64 trích dẫn từ luật, hướng dẫn luật chứ không đặt ra quy định mới trái với luật.
- Tp.HCM đề xuất đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thuộc khu vực quy hoạch "treo" (không được chuyển mục đích và cũng không thể làm nông nghiệp) được cấp phép xây dựng tạm. Đề xuất này phù hợp nguyện vọng của người dân nhưng cũng không được Bộ Xây dựng ủng hộ. Vì sao, thưa ông?
- Bộ Xây dựng hay ai đi chăng nữa cũng phải tuân thủ pháp luật. Nếu đất không thể làm nông nghiệp được nữa thì phải cho chuyển mục đích sử dụng. Chỉ khi chuyển mục đích rồi thì mới được cấp phép xây dựng. Đây là thẩm quyền và chức năng của địa phương. Còn nếu đất vẫn thể hiện mục đích là làm nông nghiệp thì không thể cấp phép xây dựng nhà ở, đó là nguyên tắc bắt buộc.
- Xin cảm ơn ông.
Cần cơ chế cho đất nông nghiệp bị quy hoạch "treo" tại đô thị
Tại nhiều quận của Tp.HCM thực tế không còn đất nông nghiệp nữa, đất gọi là đất nông nghiệp chỉ còn là trên bản đồ. Đất này không làm nông nghiệp được nữa nhưng cũng không được cấp phép xây dựng tạm vì vướng quy hoạch. Điều đó dẫn đến khó khăn cho người sử dụng đất mà cũng lãng phí đất đai.
Ông QUÁCH HỒNG TUYẾN, Đề xuất của TP dựa trên thực tế nhưng Bộ Xây dựng phải dựa trên cơ sở các quy định pháp luật để trả lời. Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã viện dẫn các quy định pháp luật khi đưa ra quan điểm của mình. Luật Đất đai, Luật Xây dựng đều quy định phải phù hợp mục đích sử dụng đất mới được cấp phép xây dựng. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không đồng ý đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch được cấp phép xây dựng tạm. Ông BÙI PHẠM KHÁNH, Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
- 155
- By Admin
- 19/12/2012
- 17