Về việc "Thu hồi 50m hai bên khi mở đường": Chuyên gia quy hoạch nói gì?
Từ chuyện này, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN nhấn mạnh, các đô thị Việt Nam cần học cách tiếp thu, và thực hiện quy hoạch của các đô thị hiện đại trên thế giới.Câu chuyện về việc Hà Nội sẽ thực hiện lấy thêm 50m mỗi bên đường khi lập quy hoạch các tuyến đường mới đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc sử dụng phần đất lấy thêm này thế nào cho hiệu quả, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Đa số người dân đều ủng hộ chủ trương của TP.
Còn các chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc đô thị, họ nói gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Quy hoạch tuyến phố Hà Nội còn manh mún và thiếu đồng bộ. |
Phóng viên:Là một trong những chuyên gia về quy hoạch, đã từng là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông có nhận xét gì với Quyết định của Hà Nội về việc lấy thêm 50m mỗi bên đường khi mở các tuyến phố mới?
TS Phạm Sỹ Liêm:Trong Luật Quy hoạch đô thị đã được thông qua năm 2009 có nói đến chuyện này và ngay cả Luật Xây dựng cũng có 1 điểm yêu cầu làm thế. Thứ nhất là luật đã định ra thì phải theo. Khi áp dụng thì phải xử lý những cái đã có rồi và đang tồn tại. Quy định này theo tôi hiểu có giá trị từ nay về sau. Còn với những con đường chuẩn bị làm, đã có quy hoạch hoặc có sự chuẩn bị chỉ còn chờ khởi công thì không nên xét lại. Bởi sẽ gây ra sự đảo lộn, gây thiệt hại cho người kinh doanh. Cái này gọi là rủi ro chính sách. Các chủ đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền cho khâu chuẩn bị, giờ nếu làm lại sẽ gây thiệt hại lớn cho họ.
Phóng viên:Như ông đã nói, việc lấy thêm 50m đường đã có trong Luật Quy hoạch đô thị, và Đà Nẵng đã "đi trước" từ lâu. Vậy ông nhận xét gì khi Hà Nội bây giờ mới bắt đầu thực hiện?
TS Phạm Sỹ Liêm:Vấn đề này tôi đã nhiều lần có ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội rồi, tôi đã từng hỏi một đồng chí lãnh đạo: Tại sao không phát triển hai bên đường mà chỉ phát triển đường thôi và nhận được câu trả lời: giải phóng mặt bằng đường đã rất vất vả và tốn nhiều tiền rồi, còn 2 bên đường nữa thì không làm nổi. Theo tôi là do thiếu quyết tâm nên mới dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo. GPMB tốn nhiều tiền, giờ lại tốn thêm nữa để xóa nhà siêu mỏng siêu méo thì vô lý quá. Mà tiền thì Nhà nước không được thu về, lại cho chính những người trước ở trong ngõ nay ra mặt đường hưởng. Để nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại, Hà Nội cũng cần nghiêm túc kiểm điểm lại công tác quản lý đô thị. Ở đây theo tôi là bệnh "lười".
Đằng nào cũng phải mất công giải phóng mặt bằng, làm ngay từ đầu sẽ không phát sinh phức tạp như bây giờ. Nếu có cơ chế xã hội hóa, tôi nghĩ thực hiện sẽ không khó khăn. Đường phố sẽ được quy hoạch lại đẹp và văn minh hơn. Năm ngoái, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam có đón một vị khách là Chủ tịch Hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng của Trung Quốc. Khi đi qua tuyến đường Kim Liên mới, chúng tôi có giới thiệu đây là đường mới mở. Vị khách này rất ngạc nhiên và nói: "Đường mới mà như thế này sao? Tôi không thấy gì được gọi là mới cả, vẫn lộn xộn và tự phát".
Phóng viên:Người dân hiện quan tâm đến việc nếu thực hiện lấy thêm 50m sâu vào hai bên đường, việc tái định cư của họ (nếu nằm trong diện giải phóng mặt bằng) sẽ thế nào. Trong khi Hà Nội chưa có ý kiến cụ thể về vấn đề này, theo ông, nên tổ chức chỗ ở mới cho họ ở đâu?
TS Phạm Sỹ Liêm:Chúng ta vẫn biết quan hệ cộng đồng là nguồn vốn phát triển xã hội. Nhất là ở nước ta, mỗi một cá nhân đều gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Các mối quan hệ hàng xóm láng giềng, họ hàng… thói quen sống và sinh hoạt tại khu phố khiến hầu hết mọi người không muốn di chuyển đến một nơi ở mới. Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, con cái họ đang học ở trường gần nhà, giờ họ chuyển đi tái định cư ở một nơi khác, lại phải xin học lại cho con, bắt đầu lại hầu hết các mối quan hệ cộng đồng họ đã tạo dựng được trước đây. Vì thế, nên tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị lấy đất, lấy nhà phục vụ việc xây đường. Rất dễ thực hiện, các chủ đầu tư trúng thầu đất mặt tiền khi xây cao ốc sẽ bố trí một phần các căn hộ để các hộ dân được tái định cư.
Phóng viên:Từ chuyện lấy thêm 50m khi lập quy hoạch làm đường, nhìn rộng ra, công tác quy hoạch đô thị ở Hà Nội cần có thêm sự thay đổi gì để xóa dần ấn tượng về một TP phát triển đô thị manh mún, lộn xộn?
Khoản 3, Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị (được Quốc hội thông qua năm 2009) nêu rõ: Việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị phải bảo đảm các yêu cầu sau: a) Phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến; b) Khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; nghiên cứu không gian kiến trúc, hình khối công trình, khoảng lùi của các công trình cụ thể, bảo đảm tăng cường tính chỉnh thể và tính đặc trưng của khu vực. |
TS Phạm Sỹ Liêm:Tôi đã từng trả lời phỏng vấn nhiều lần về phát triển đô thị ở Việt Nam và cụ thể hơn là Hà Nội. Hà Nội phải cạnh tranh với các TP phát triển trên thế giới chứ không thể tự bằng lòng. Phải luôn nghĩ rằng họ làm được thì mình sẽ làm được. Để bước một bước rất khó nhưng muốn có một đô thị văn minh, hiện đại thì chỉ cần quyết tâm chứ không thiếu biện pháp, không thiếu cách làm. Không chỉ Hà Nội mà ở cả các TP khác của ta, đều chung tình trạng ngổn ngang về quy hoạch, không đồng bộ. Hãy học kinh nghiệm của các đô thị hiện đại trên thế giới, không chỉ là học cách tư duy quy hoạch mà quan trọng nhất là học cách tiếp thu, và thực hiện quy hoạch của họ. Trong khi thế giới đã tiến rất xa khi xây dựng các đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường thì chúng ta đang lặp lại các môtíp nhà tổ chim, hình ống, cao chọc trời, nhưng hiệu quả sử dụng không cao.
Đành rằng có những quy hoạch do lịch sử để lại, nhưng có quy hoạch đô thị tốt không có nghĩa là sẽ có đô thị tốt. "Vấn đề là phải có bộ máy quản lý đô thị đủ mạnh để quy hoạch không bị phá vỡ, như kiểu "chiều lòng" các nhà đầu tư để rồi hình thành các khu đô thị theo ý họ, chứ không theo quy hoạch.
Phóng viên:Xin cảm ơn ông!
(Theo CAND)
- 130
- By Admin
- 24/05/2011
- 17