Vay gói 30.000 tỉ đồng: Không ai dám xác nhận tình trạng nhà
Với người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ được xem là cơ hội tốt để họ hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng khi vừa chạm tay vào “cánh cửa” này, không ít người đã bị dội vì vướng thủ tục quá khó khăn: Xác nhận tình trạng nhà tại UBND phường/xã hoặc cơ quan làm việc.
Không ai chịu xác nhận
Anh Nguyễn Phúc Thanh, nhân viên một công ty TNHH tại Tp.HCM, cùng vợ con thuê nhà trọ tại quận Gò Vấp đã bảy năm nay. Khi nghe thông tin về gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, vợ chồng anh Thanh mừng như bắt được vàng. Liên hệ một trong các ngân hàng cho vay, anh Thanh được phát tờ đơn cam kết hiện chưa có căn nhà nào với yêu cầu phải có sự xác nhận của UBND phường nơi có hộ khẩu thường trú hoặc KT3.
Làm xong bản cam kết, anh Thanh tìm đến phường X., quận Gò Vấp để xin xác nhận thì lập tức bị từ chối, lý do là “phường có biết gì đâu mà xác nhận?”. Năn nỉ thuyết phục mãi không được, anh đành ra về trong thất vọng não nề.
|
Đa số người dân đang gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng nhà khi vay gói 30.000 tỉ đồng mua nhà. |
Chị Hoàng Ngọc Bích, viên chức của một sở rất đông nhân sự tại TP, lâu nay luôn trông chờ vào chương trình nhà ở xã hội do Sở Xây dựng TP triển khai. Nhưng giờ đây chị đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ thuê mua nhà của mình. Chị Bích cho hay: Trong hồ sơ thuê mua nhà, quan trọng nhất là đơn cam kết chưa từng sở hữu căn nhà nào; chưa từng hưởng chính sách nhà ở nào của Nhà nước và phải được thủ trưởng cơ quan hoặc UBND phường nơi có hộ khẩu thường trú xác nhận.
“Tôi bỏ cuộc vì chắc chắn không thể nào đáp ứng được yêu cầu trên. Sở của tôi có hàng ngàn nhân viên, thậm chí nhiều người không biết mặt nhau. Lãnh đạo cơ quan không chịu xác nhận tôi chưa có nhà, chưa từng hưởng chính sách hỗ trợ vì họ không thể xác minh được. UBND phường cũng nói không quản lý việc này thì làm sao dám xác nhận?” - chị Bích thở dài.
Chỉ may mắn mới được chứng?
Theo tìm hiểu, vẫn có một số trường hợp xác nhận được mẫu đơn này. Anh N., lãnh đạo một phòng của một sở tại TP, cho hay trường hợp của anh hoàn toàn nhờ vào may mắn và sự tin tưởng của phường. “Lúc đầu cán bộ phường không chịu chứng. May quá, tình cờ anh lãnh đạo mới về là bạn học chung, sau khi tay bắt mặt mừng thăm hỏi, có lẽ do cũng nể mình nên xác nhận ngay” - anh N. kể.
Một cán bộ có tên trong danh sách 225 người được thuê mua căn hộ nhà ở xã hội của TP cho hay anh cũng dễ dàng có được xác nhận của xã. Lý do là “trước khi chuyển qua sở, tôi làm việc gần chục năm tại xã! Nhà ba mẹ tôi kế bên UBND xã, hộ khẩu cũng còn ở xã, lãnh đạo xã thì anh em xưa nay biết nhau quá rõ nên tôi đưa đơn là chứng liền. Nếu không quen biết thì ai dám chứng” - anh thành thật cho biết.
Kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh
Ở đây, nếu trách cơ quan chủ quản hoặc UBND phường/xã không chịu giúp đỡ dân là không đúng, bởi họ không đủ cơ sở để xác nhận. Nếu xác nhận sai, họ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, số người được địa phương quản lý đến “chân tơ kẽ tóc” hay quen biết như hai trường hợp trên chỉ là thiểu số. Vì thế, đa số người dân đang gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục này.
Thực trạng trên đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tp.HCM báo cáo trong văn bản gửi UBND TP. Theo đó, vướng mắc lớn nhất các ngân hàng gặp phải khi giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là việc xác nhận về thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư 07/2013 của Bộ Xây dựng. “Trong thực tế, cơ quan công tác và UBND xã/phường không quản lý thực trạng nhà ở của các đối tượng đi vay. Do đó, thủ trưởng cơ quan hoặc UBND xã/phường không đồng ý xác nhận về thực trạng nhà ở cho những người này theo yêu cầu” - báo cáo nêu rõ. NHNN Chi nhánh Tp.HCM cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh mẫu biểu này để gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Nếu xác nhận chữ ký trong đơn cam kết đúng là của người dân thì chúng tôi thực hiện ngay. Nhưng nếu yêu cầu phải xác nhận nội dung như đơn cam kết thì thật sự phường không biết dựa trên cơ sở nào. Phường/xã không thể quản lý việc người có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang có nhà ở hay không. Ông Lê Thành Quốc, Chủ tịch UBND phường 5, quận 3 |
- 150
- By Admin
- 16/07/2013
- 17