Vật liệu xây không nung: "Con sâu làm rầu nồi canh"
chỉ vì vết nứt!?!
UBND tỉnh Bến Tre đã ra thông báo kết luận 230/TB-UBND vào ngày 9/9/2014, thông báo nên rõ: “Do gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng VLXKN đối với các công trình xây dựng nên UBND tỉnh sẽ tạm ngưng việc bắt buộc áp dụng sử dụng VLXKN". UBND Bến Tre cũng chỉ đạo GĐ Sở Xây dựng tỉnh phải tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh lộ trình sử dụng VLXKN cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Thông báo chỉ rõ: “Đối với các công trình chưa triển khai, giao chủ đầu tư chọn vật liệu thích hợp. Các công trình đã được phê duyệt sử dụng VLXKN (đã xây dựng phần móng, khung), cần chuyển đổi về vật liệu xây truyền thống”. Những quy định này nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các bước chuyển tiếp do phải ngưng sử dụng VLXKN.
Cho rằng hiện trên địa bàn Bến Tre có nhiều khó khăn do triển khai VLXKN nên UBND tỉnh đã lệnh ngưng áp dụng trên địa bàn. |
Trong tờ trình của Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre gửi tới Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến điều chỉnh lộ trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh Bến Tre, có nêu: Trong quá trình triển khai thực hiện, Bến Tre đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc, Sở Xây dựng Bến Tre tổng hợp báo cáo và xin ý kiến Bộ Xây dựng cho phép địa phương điều chỉnh lộ trình sử dụng VLXKN. Cụ thể như sau: Hiện nay năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế cả về chủng loại sản phẩm và sản lượng. Dự báo, đến năm 2015, nhu cầu sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh sẽ vào khoảng 110 triệu viên (thông tin từ đồ án Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bến Tre đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng lập và cung cấp). Sở XD Bến Tre cho rằng, việc tỉnh phải đặt VLXKN từ các tỉnh lân cận đã khiến tiến độ cung ứng trở nên chậm trễ và giá thành cũng bị đội lên do phải bao gồm phí vận chuyển vật liệu xây dựng.
Hơn nữa, năng lực của các cơ sở kiểm tra, thí nghiệm ở địa phương cũng còn hạn chế, với cơ sở vật chất hiện có, chỉ có thể thí nghiệm kiểm tra về cấp độ bền, độ hút nước; một số thông số khác như chỉ tiêu về độ co khô phải thuê các đơn vị ở Tp.HCM thực hiện nên thời gian kiểm định bị kéo dài. Thao tác của công nhân, thợ xây ngoài hiện trường cũng chưa thuần thục, cần có thời gian và học hỏi để hoàn thiện kỹ năng.
Đáng chú ý trong thời gian qua, nhiều công trình trong loạt đầu triển khai xây dựng bằng VLXKN trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra sự cố nứt lớp vữa tô và nứt khối gạch xây. Các công trình này được biết sử dụng gạch không nung loại nhẹ, dòng gạch bê tông bọt. Sau điều tra, nguyên nhân bước đầu được xác định là do chất lượng gạch không tốt, ngoài ra cũng có nguyện nhân từ điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương…
Do những bất cập trên nên tỉnh Bến Tre tỏ ra lúng túng trong cách xử lý. Một mặt, “mạnh tay” xin ý kiến điều chỉnh lại lộ trình sử dụng VLXKN, đi trái chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng, mặt khác lại xin điều chỉnh lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh cho phù hợp Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đối với lò thủ công, thủ công cải tiến là vô cùng mâu thuẫn cần chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 .
Ông Bùi Trang Thuận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre cho rằng việc thi công bằng VLXKN xảy ra sự cố nứt tường đó là việc ngoài ý muốn, khi kiểm tra chất lượng gạch thì không vấn đề gì, nhưng khi thi công xong hoặc hoàn thành thì mới phát hiện.
Doanh nghiệp chết đứng!
Ông Lê Văn Bình, GĐ Cty TNHH Chí Hiếu, một trong những doanh nghiệp hiện đang cung cấp VLXKN vào các công trình sử dụng vốn ngân sách tại khu vực Bến Tre bàng hoàng khi nhận được thông tin này.
Ông Bình phân tích nói: “Biết được chủ trương lớn của Chính phủ, các quyết định, thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và tỉnh Bến Tre về việc triển khai sử dụng VLXKN và lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến… giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh”. “Tin tưởng vào đó, chúng tôi mới bỏ ra hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhập dây chuyền sản xuất và mày mò không kể ngày đêm sống chung với viên gạch không nung, vậy mà mới đón gió đã gặp bão rồi”, ông Bình trần tình.
Tính đến chiều ngày 14/10/2014, Cty của ông Bình vẫn chưa hề nhận được các văn bản nào của tỉnh Bến Tre liên quan đến việc ngưng cung cấp sử dụng gạch không nung mà Cty cung cấp cho các công trình tại tỉnh Bến Tre.
Rõ ràng ở đây có nhiều vấn đề cần làm rõ như chỉ đạo của Bộ Xây dựng: “Đề nghị UBND tỉnh Bến Tre xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố đối với các công trình”. Trong thực tế, việc nứt tường có thể do nhiều nguyên nhân, như tại móng, chất lượng hồ tô trát, kết cấu công trình… Nếu không làm rõ nguyên nhân mà vội vàng ngưng cả một chủ trương lớn của Chính phủ là điều cần phải xem lại.
Hiện ở tỉnh Bến Tre vẫn còn tới 80 lò nhưng đã tạm ngưng hoạt động 23 lò, còn hoạt động 57 lò. Các lò còn hoạt động cũng vận hành không hết công suất, sản lượng năm 2013 đạt khoảng 30 triệu viên. Đối với gạch không nung, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở sản xuất dòng sản phẩm nặng, tổng công suất của 02 cơ sở khoảng 15,9 triệu viên/năm.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bến Tre nghiêm túc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng ban hành về quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bến Tre xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố đối với các công trình và báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 20/10/2014. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ thẩm tra và có ý kiến về sự việc trên.
- 243
- By Admin
- 16/10/2014
- 17