Vật liệu xây dựng: Lo vẫn hoàn lo
Sản xuất nhiều, tiêu thụ chậm
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng cả nước đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước tiêu thụ 29,5 triệu tấn sản phẩm, trong đó tiêu thụ nội địa 22,7 triệu tấn, đạt 100,9% so với cùng kỳ 2012, xuất khẩu 6,8 triệu tấn, tăng 67%. Một số lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả khả quan.
Sản xuất thép 6 tháng đầu năm tăng 9,24%, tiêu thụ tăng 6,8% do doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN. Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy nếu tính mốc 7 tháng, lượng bán một số loại thép như thép cán đạt gần 1,6 triệu tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt gần 2 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh xuất khẩu cũng tăng 12% và 6% so với cùng kỳ…
Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn, mang tính sống còn đối với doanh nghiệp ngành VLXD. Vì vậy, cần có những sự hỗ trợ cũng như đường đi thật rõ ràng, giúp ngành này qua được cơn bĩ cực. Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam |
Tuy nhiên, nhu cầu trong nước tiếp tục suy giảm khiến doanh nghiệp VLXD tiếp tục đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa. Theo thống kê của Hội VLXD Việt Nam, tổng công suất các dây chuyền xi măng lò quay đã hoàn thành xây dựng là 70 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm sản lượng của các nhà máy chỉ đạt xấp xỉ 25 triệu tấn, tương đương 70,5% công suất. Thậm chí, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, Áng Sơn 1, X77…
Trong khi đó, tiêu thụ xi măng tăng nhờ xuất khẩu (chiếm 23% tổng lượng tiêu thụ) nhưng giá xuất khẩu clinke 36-37USD/tấn, xi măng 50-55USD/tấn, thấp hơn giá bán trong nước, nên mục tiêu kinh tế không đạt được. Tương tự, Hiệp hội Thép cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ thép năm 2013 dự kiến tăng 2-3% so với năm 2012, nhưng nguồn cung trên thị trường tiếp tục đội lên, khi hàng loạt nhà máy mới đi vào hoạt động, chưa kể cạnh tranh khốc liệt từ thép giá rẻ Trung Quốc.
Các lĩnh vực khác như gốm sứ và kính xây dựng, vật liệu không nung cũng đang chật vật. Theo Hiệp hội VLXD, tổng công suất gạch ốt lát các loại khoảng 435 triệu m2, sứ vệ sinh khoảng 13 triệu sản phẩm, song 6 tháng đầu năm, sản lượng chỉ đạt 70% công suất, tồn kho 1,5 tháng sản xuất.
Sản lượng kính xây dựng đạt 50% trong tổng công suất khoảng 188 triệu m2, hàng tồn kho lên đến 2-2,5 tháng sản xuất. Vật liệu xây không nung đạt khoảng 30-40% công suất đối với dây chuyền sản xuất gạch cốt liệu, dưới 20% đối với dây chuyền bê tông khí chưng áp. Các cơ sở sản xuất bê tông bọt hầu như dừng sản xuất.
“Cú đấm” ngành điện
Trong khi hàng tồn kho vẫn chưa có cách giải và càng xuất khẩu càng lỗ thì điện tăng giá 5%, đã trở thành cú đấm nặng đối với doanh nghiệp thép và xi măng. Mặc dù mức tăng không cao nếu so với dự thảo sửa đổi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Bộ Công Thương đưa ra cách đây chưa lâu (trong đó điện và xi măng sẽ áp giá cao hơn 2-16% so với trước), nhưng vẫn đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó càng thêm khó.
Tính toán của VNCA cho thấy điện tăng thêm 5% thì xi măng thêm chi phí khoảng 13.000-15.000 đồng/tấn. Theo bà Trần Thị Minh Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), giá điện cho sản xuất xi măng hiện đã lên tới hơn 200.000 đồng/tấn.
|
|
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành xi măng bởi lẽ giá sản phẩm không thể tăng lên được nữa. Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể và hầu hết doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600kWh điện, do đó giá điện tăng bao nhiêu, giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu.
Trong khi đó, trong tháng 7 các doanh nghiệp ngành thép đã phải giảm trung bình 200.000-250.000 đồng/tấn thép nhằm kích cầu. Cũng tương tự xi măng, giá điện tăng 5% nhưng khả năng giá thép tăng để bù chi phí là khó khi lượng tiêu thụ không khả quan, đẩy doanh nghiệp ngành thép vào tình cảnh khốn đốn.
Mới đây nhất, Hội VLXD lại tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong đó, hàng loạt kiến nghị tiếp tục được đưa ra như đẩy mạnh xuất khẩu, không đầu tư thêm nhà máy xi măng, nhanh chóng đưa Nghị quyết 02 của Chính phủ đi vào cuộc sống, ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh… nhằm giúp ngành VLXD vượt qua khó khăn.
- 217
- By Admin
- 08/08/2013
- 17