Vào "mùa" xây dựng: Thép dè dặt tăng giá
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đầu tư công, thị trường BĐS và xây dựng trầm lắng, tiêu thụ thép đã giảm xuống mức rất thấp. Tuy nhiên để tồn tại được, DN vẫn phải bán dưới giá thành. Nếu không tăng giá, rất có thể nhiều DN thép sẽ phá sản. Vì vậy, tăng giá thép vào thời điểm này là điều khó tránh bởi suốt thời gian dài vừa qua, hầu hết các DN thép đều lỗ.Giá thép tăng nhẹ do mùa xây dựng bắt đầu trở lại. |
Theo VSA, từ tháng 8 đến nay, tiêu thụ thép cũng đã bắt đầu khởi sắc. Nếu như trong tháng 6 vừa qua, lượng thép tiêu thụ chỉ đạt xấp xỉ 300 nghìn tấn, tháng 7 đạt 360 nghìn tấn, (giảm khoảng 30% so với mức trung bình hàng tháng) thì đến tháng 8 đã đạt mức 483 nghìn tấn. Mặc dù đây chưa phải là con số khả quan nhưng cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực của thị trường. Điều đó cũng cho thấy lĩnh vực xây dựng đã có khởi sắc. Đặc biệt từ nay đến cuối năm là thời điểm các công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành.
Hiện đã sắp qua mùa mưa nên nhu cầu xây dựng trong dân cũng tăng lên. Trước đây hơn một tháng, cửa hàng VLXD của anh Nguyễn Tuấn Thanh trên phố Thanh Nhàn (Hà Nội) chỉ bán được 5 - 6 tấn thép mỗi ngày. Doanh thu chỉ đạt ngót nghét 320 triệu đồng, giảm gần 70% so với cuối năm 2010. Giá giảm nhiều mà không có khách. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, tình thế có phần sáng sủa hơn, lượng đơn đặt hàng nhiều lên, giá thép bắt đầu tăng. Mỗi tháng cửa hàng anh Thanh nhập từ 40 - 60 tấn thép, doanh thu tăng lên khoảng 20 - 25% so với thời kỳ ế ẩm.
Hầu hết các chủ cửa hàng VLXD đều cho rằng, nhu cầu xây dựng của các hộ dân có tăng, tuy nhiên chưa thể bằng cùng kỳ năm ngoái. Cửa hàng VLXD Khánh Huyền, ở Đê La Thành (Hà Nội) cho biết hiện mỗi tháng cửa hàng nhập khoảng từ 50 - 70 tấn thép. Cùng thời điểm này năm ngoái, cửa hàng chị phải nhập gấp 3 - 4 lần số lượng hiện tại. Gần đây, sức mua có tăng, tuy nhiên chỉ tăng so với thời điểm trước đó 1 - 2 tháng, còn so với cùng kỳ năm 2010 vẫn thấp. Bộ Công Thương cho biết, sản xuất thép các loại tháng 8 cả nước ước đạt gần 600 nghìn tấn, tăng 7,8% so với tháng 7 và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước đạt 4,89 triệu tấn. Để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho và ứ đọng vốn, phần lớn các DN sản xuất thép đã thực hiện các giải pháp như tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cho các đại lý.
Ngày 12/9 đã có DN thép phía Nam đầu tiên nhích giá lên khoảng từ 200 - 300 nghìn đ/tấn. Trong thời gian tới, giá thép chắc chắn sẽ còn tăng. |
Ông Nghi cho biết thêm, đến ngày 12/9 đã có DN thép phía Nam đầu tiên nhích giá lên khoảng từ 200 - 300 nghìn đ/tấn. Thêm vào đó, từ cuối tháng 8 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhẹ, phôi, thép phế tăng 10 - 15 USD/tấn, đạt mức 680 - 690 USD/tấn, thép phế cũng lên tới 470 - 480 USD/tấn. Trong thời gian tới, giá thép chắc chắn sẽ còn tăng. Tuy nhiên, thép là mặt hàng phải chịu áp lực cao vì cung luôn lớn hơn cầu nên DN vừa tăng giá vừa phải thăm dò phản ứng của thị trường. Nếu thị trường chấp nhận được mới tăng tiếp. Còn nếu thị trường không chấp nhận thì vẫn phải giảm. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay thì giá thép khó có thể biến động mạnh.
Ngoài thị trường, một số đại lý thép cũng bắt đầu rục rịch tăng giá. Hiện giá thép tại xưởng chưa tính VAT và phí vận chuyển khoảng 15,7 triệu đ/tấn. Còn giá bán lẻ trên thị trường cao hơn, dao động quanh mức 17,5 - 18 triệu đ/tấn tùy loại.
(Theo Báo Xây dựng)
- 225
- By Admin
- 16/09/2011
- 17