Vẫn xảy ra tranh chấp hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì chung cư
Chây ỳ bàn giao phí bảo trì chung cư
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu, thậm chí chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc, yêu cầu phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Keangnam Vina phải trả tiền phí bảo trì cho Ban quản trị nhưng chủ đầu tư này vẫn khất lần không trả. Chúng tôi cứ nghĩ rằng sau ngày 1/7, khi Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực với chế tài bắt buộc thì chủ đầu tư sẽ phải hoàn trả nhưng càng ngóng thì càng thấy mất tăm”.
Theo ông Cẩn, tổng số tiền phí bảo trì của tòa Keangnam vào khoảng 190 tỷ đồng. “Bộ Xây dựng nói là sẽ phong tỏa tài sản của chủ đầu tư nếu không hoàn trả phí bảo trì nhưng chủ đầu tư có tới hàng chục tài khoản, biết phong tỏa tài khoản nào? Nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục biện hộ không có tiền thì sao? Bước cuối, chúng tôi sẽ phải kiện chủ đầu tư ra tòa”, ông Cẩn bức xúc nhưng cũng không giấu được lo lắng khi thổ lộ: “Tiền án phí không hề nhỏ, trong khi vai trò của Ban quản trị chung cư lại gần như “hữu danh vô thực”, vô cùng mờ nhạt”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lúc này, tại các khu chung cư có tranh chấp về phí bảo trì đã tạm thu lên tới hàng trăm tỷ đồng như: The Manor (KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Saigon Pearl (Bình Thạch, Tp.HCM), 4S Riverside (Thủ Đức, Tp.HCM), đáp án chung là tất cả đều đang có tiền nợ phí cao và đại diện của chủ đầu tư đều loanh quanh biện giải. Thậm chí, đại diện Ban quản trị tòa The Light (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn cho biết, chủ đầu tư nói thẳng là chưa có hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở mới nên chưa bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị.
Dù Luật Nhà ở đã chính thức có hiệu lực nhưng vẫn chưa giải quyết được các tranh chấp hàng trăm tỷ đồng liên quan đến phí bảo trì chung cư. Ảnh minh họa. |
Phân tích nguyên nhân các chủ đầu tư còn chây ỳ, luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chỉ ra: Thị trường BĐS thời gian qua đóng băng nên có nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ việc bàn giao tiền bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Trong khi đó, tư cách pháp nhân của Ban quản trị tòa nhà chưa có nên việc kiện cáo rất phức tạp.
Mất phí bảo trì, cư dân chung cư biết kêu ai?
Quỹ bảo trì chung cư tại một số dự án lớn có giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng rất dễ bị kẻ xấu trục lợi, thậm chí chiếm đoạt vì các quy định thiếu chặt chẽ mà phần bất lợi luôn là các cư dân.
Ngày 24/7, tham dự hội thảo “Quản lý nhà nước về chung cư trên địa bàn Tp.HCM, thực trạng và giải pháp”, PGĐ Sở Xây dựng Tp.HCM Đỗ Phi Hùng cho biết, trên địa bàn Tp.HCM hiện có 63 chung cư đang xảy ra tranh chấp, khiếu nại về việc vận hành quản lý sử dụng nhà chung cư, trong đó hầu hết là tranh chấp về vấn đề sở hữu chung - riêng và quản lý phí bảo trì. Mới đây, cư dân chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TpHCM) cũng đã phản đối Công ty CP Đức Khải (chủ đầu tư) tự ý dùng khoản tiền phí bảo trì của cư dân trị giá hàng chục tỷ đồng vào mục đích kinh doanh.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư cũng muốn trả lại phí bảo trì nhưng lại không tin tưởng Ban quản trị. Ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT Công ty Hadico 5 cho biết: “Dự án chung cư thương mại Sài Đồng thu được hơn 5 tỷ đồng phí bảo trì. Vì vậy, khi bàn giao cho Ban quản trị, chúng tôi phải hỏi ý kiến từng hộ dân xem họ có đồng ý không. Tuy nhiên, chính Ban quản trị lại cản trở chúng tôi trong việc tiếp cận với người dân”. Theo ông Can, nhiều trường hợp Ban quản trị “ôm” tiền bỏ trốn và lạm dụng chi sai nhiều khoản. Ban quản trị chưa có tư cách pháp nhân và không có chuyên môn trong việc quản lý bảo trì tòa nhà. Luật đã có hiệu lực nhưng thực hiện như thế nào thì phải hướng dẫn chi tiết hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay, với 2% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ, phí bảo trì chung cư một dự án trung bình cũng thu được số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đối với những dự án chung cư cao cấp, quỹ bảo trì có khi lên tới cả trăm tỷ đồng. “Nếu chủ đầu tư phá sản, tiền bảo trì bị tiêu tan hoặc chủ đầu tư bàn giao lại cho Ban quản trị tòa nhà quản lý. Ban quản trị là một nhóm người được cư dân bầu lên và không ai đảm bảo những người này sẽ không làm bậy. Họ bán nhà, rút tiền từ ngân hàng rồi bỏ trốn thì ai bảo vệ quyền lợi cho cư dân?”, ông Đực nói.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, khi được giao quản lý một số tiền quá lớn sẽ không tránh khỏi tình trạng lợi ích nhóm, chạy phiếu để lựa chọn những người cùng phe cánh vào Ban quản trị để trục lợi quỹ bảo trì. Trong khi đó, quy định về quản lý nhà chung cư hiện hành và dự thảo thông tư Bộ Xây dựng đang xây dựng vẫn còn quá nhiều bất cập, lỏng lẻo.
Tại hội thảo, ông Bình, đại diện cư dân của chung cư Nguyễn Nhật Phương (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) nói rằng, nhiều thành viên Ban quản trị không có kiến thức về quản lý, vận hành chung cư nhưng vẫn được bầu lên. “Quỹ bảo trì chung cư nếu chỉ giao cho 2 người trong Ban quản trị quản lý thì rất dễ nảy sinh gian lận. Công an có xử lý hình sự thì quỹ cũng đã mất. Vì vậy, cần giao cho cấp phường quản lý chặt hơn, thay vì đẩy lên cấp quận”, ông Bình đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Đực lại đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư, trả lại tiền cho người dân vì chung cư đã được chủ đầu tư bảo hành 2 năm đầu, trong 3 - 5 năm tiếp theo, chất lượng công trình vẫn còn tốt, chưa cần sử dụng đến quỹ bảo trì.
Đề xuất trao quyền cho Ban quản trị chung cư
Với những tranh chấp liên quan giữa các bên Ban quản trị, cư dân và chủ đầu tư, mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định khá chặt chẽ về tổ chức Ban quản trị chung cư. Theo đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Ban quản trị sẽ là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu. Ban quản trị hoạt động theo mô hình ban chủ nhiệm hợp tác xã hoặc hội đồng quản trị của công ty cổ phần, thực hiện theo quy chế do hội nghị nhà chung cư thông qua. Các thành viên Ban quản trị phải có kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật...
Theo dự thảo, mọi quyết định của Ban quản trị không được vượt quá quyền hạn quy định. Trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, Ban quản trị phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Ban quản trị không được ký hợp đồng thuê lao động, không được thành lập các bộ phận trực thuộc... “Nếu Ban quản trị hoặc thành viên Ban quản trị vi phạm quy chế hoạt động hoặc quy chế chi tiêu tài chính thì có thể bị bãi miễn tùy theo mức độ vi phạm. Thậm chí, nếu các hành vi vi phạm thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cư dân tòa nhà chung cư thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, vị đại diện này nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, các quy định về Ban quản trị nhà chung cư hiện nay vẫn còn rắc rối, phức tạp, khiến rất ít người muốn tham gia. Ngoài ra, theo ông Châu, vấn đề thù lao cho các thành viên Ban quản trị hiện chỉ bằng 1,5 mức lương tối thiểu nên chưa khích lệ được họ.
Trong khi đó, một lãnh đạo của doanh nghiệp địa ốc miền Bắc cũng đề nghị cần quy định rõ ràng và minh bạch quyền hạn, trách nhiệm của Ban quản trị chung cư.
100% chung cư có vi phạm về an toàn điệnÔng Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TpHCM) cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành Tp.HCM vừa tổ chức kiểm tra toàn diện 30 chung cư trên địa bàn và phát hiện ra hàng loạt vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng. Trong đó, đáng lưu ý là có tới 30/30 chung cư vi phạm an toàn điện, phòng cháy chữa cháy; 19/30 chung cư vi phạm xây dựng; 10/30 chung cư chưa cấp sổ hồng cho cư dân. |
- 0
- By Admin
- 25/07/2015
- 17