Vẫn “sợ” thủ tục hành chính
"Vênh” luật và “đẻ” thêm thủ tụcCâu chuyện của ông Lê Tiến Dũng (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) là một ví dụ điển hình cho “nỗi sợ” của DN khi “không may” rơi vào “ma trận” TTHC.
Theo trình bày, năm 1995, DN của ông Dũng có thuê một tòa nhà của Nhà nước làm trụ sở. Sau do xuống cấp, đơn vị này đã đề xuất phá bỏ để xây cao ốc. Việc xin cấp phép giấy tờ nhà, đất mới đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để “đủ” thủ tục, phía cho thuê nhà yêu cầu, DN tiếp tục phải ký hợp đồng thuê 3 tầng cũ của tòa nhà (dù thực tế đã bị phá bỏ). Kết quả, hàng tháng DN vẫn phải bỏ ra hàng tỷ đồng để trả cho diện tích thuê ảo. Chưa hết, nhiều năm nay, cơ quan thuế vẫn yêu cầu DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế quyền sử dụng đất, trong khi giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng thì vẫn trong tình trạng “nằm chờ” xét duyệt.
Tiếp nhận và giải quyết TTHC tại “Một cửa” còn sách nhiễu, phiền hà (ảnh minh họa) |
Quả thực, có rà soát lại quy định hiện hành, mới thấy được cái “khổ” của DN khi luật “vênh”. Chẳng hạn, tại điểm b, khoản 1, Điều 19 của Nghị định 12/2009/NĐ-CP quy định tất cả các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sẽ không phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hướng dẫn thực hiện quy định trên, khoản 2 điều 4 Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26-3-2009 của Bộ Xây dựng lại loại trừ công trình, chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; mặc dù công trình này đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Việc “đẻ” thêm các loại TTHC cũng khiến không ít DN cảm thấy “sợ” khi có việc phải động đến. Điều 63 của Luật Xây dựng đã quy định, hồ sơ xin cấp GPXD chỉ gồm: Đơn xin cấp GPXD, bản vẽ thiết kế xây dựng công trình và giấy tờ về quyền sử dụng đất. Nhưng không ít địa phương còn “đẻ” thêm một số thủ tục giấy tờ yêu cầu DN phải “lo” như:
Cam kết chịu trách nhiệm đối với việc hư hỏng các công trình liền kề, lân cận; phương án phá dỡ công trình do tổ chức tư vấn đủ năng lực được chủ đầu tư ký xác nhận; có hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thế chấp và văn bản chấp nhận của chủ sở hữu nhà cho thuê hoặc của tổ chức, cá nhân nhận thế chấp,… Quy định này rõ ràng trái luật và gây khó khăn cho DN khi muốn xin cấp GPXD, nhưng vẫn hiển nhiên tồn tại.
“Một cửa” chưa thông
Thời gian qua, bộ phận ”một cửa” trực thuộc UBND cấp huyện để thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC đã được thành lập tại nhiều địa phương. Thực tế, “một cửa” mới chỉ lo được việc tiếp nhận và trả kết quả. Việc giải quyết vẫn do bộ phận chuyên môn đảm nhiệm. DN nộp hồ sơ tại “một cửa”, nhưng vẫn phải qua thêm ”cửa” kho bạc để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hoặc trường hợp nộp hồ sơ tại xã, xã làm “trung gian” chuyển hồ sơ cho Văn phòng ĐKQSDĐ qua ”một cửa”. Đến khi làm hợp đồng đo đạc, lại phải trực tiếp đến ”cửa” Văn phòng ĐKQSDĐ. Tưởng “một cửa”, hóa ra “nhiều cửa”!
Uỷ ban Pháp luật Quốc hội nhận định, cải cách hành chính muốn hiệu quả thì trước hết cần chú trọng đến “cải cách” con người; phải nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hành chính. Việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 sẽ là một trong những nội dung giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 20-10 đến 27-11 tới.
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 18/10/2010
- 17