Vẫn rối giá bồi thường đất nông nghiệp!
Đó là ý kiến góp ý của Giám đốc Sở Tài chính Đào Hương Lan trong hội nghị lấy ý kiến về dự thảo này do HĐND Tp.HCM tổ chức, ngày 22/3.
Chậm bồi thường, phải trả lãi
Bà Lan lý giải, tại đô thị đặc biệt như Tp.HCM, đa số đất nông nghiệp đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hầu hết trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là để chuyển mục đích sử dụng thành đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh. Do đó, “kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc xác định giá bồi thường đất nông nghiệp tại các đô thị đặc biệt phù hợp hơn hoặc xác định giá đất nông nghiệp tại đô thị đặc biệt bằng 10%-20% giá đất ở tính bồi thường”.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng dự thảo quy định về trách nhiệm của cơ quan chi trả “phải bồi thường kịp thời” là rất chung chung. Bà đề nghị bổ sung thành: Tối đa 90 ngày (đối với đất nông nghiệp) và 180 ngày (đất phi nông nghiệp) kể từ ngày phê duyệt phương án bồi thường thì phải chi trả tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất. Nếu chậm chi trả thì phải trả lãi cho người bị thu hồi theo lãi suất 0,05%/ngày.
Trường hợp quá thời hạn trên mà người bị thu hồi không đồng ý nhận tiền, ban bồi thường giải phóng mặt bằng gửi toàn bộ số tiền vào tài khoản riêng tại ngân hàng. Người bị thu hồi sẽ được hưởng lãi suất của ngân hàng.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho hay các chủ đầu tư thỏa thuận với dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng không đồng tình với quy định họ phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Do đó, Sở kiến nghị với trường hợp này thì chủ đầu tư được nộp theo bảng giá đất. Nếu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thì phải đấu giá hoặc xác định lại nghĩa vụ tài chính khi giao đất chỉ định.
“Giá đất phù hợp giá đấu giá”: Không khả thi
Về nguyên tắc xác định “giá đất phải phù hợp với giá đấu giá thành công” tại Điều 107 của dự thảo, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng sẽ rất phức tạp. “Giá đấu giá hình thành từ giá thị trường cộng thêm nhiều yếu tố khác. Một con đường có giá thị trường là 10 triệu đồng/m2 nhưng khi đấu giá một căn nhà cụ thể có thể lên đến 30 triệu đồng/m2. Nếu chạy theo giá đấu giá thì bảng giá đất chừng nửa năm là phải thay đổi. Một con đường mà có một căn nhà đấu giá là cả khu vực thay đổi giá hết” - ông Tín phân tích.
Ông Tín cũng băn khoăn về quy định hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường của dự thảo. “Trước đây người dân nộp theo bảng giá đất do TP ban hành, thậm chí còn được giảm thêm mấy mươi phần trăm nhằm tạo điều kiện cho họ được chuyển mục đích, công nhận quyền sử dụng đất. Nay nếu luật quy định như thế thì làm sao chúng ta ban hành được chính sách hỗ trợ cho người nghèo để giải quyết nhu cầu chỗ ở” - ông Tín bày tỏ.
Trao thêm quyền cho dân Đó là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTV Quốc hội) và Oxfam tổ chức tại Hà Nội, ngày 22-3. Kết quả tham vấn cho rằng: “Việc thực thi Luật Đất đai hiện hành có nhiều khâu thiếu minh bạch. Người dân không được biết về quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và việc thu hồi đất liên quan tới thực hiện các dự án. Điều đó khiến họ không yên tâm sản xuất”. Báo cáo tham vấn cũng nêu hàng loạt bất cập khác như quy hoạch sử dụng đất manh mún, nhiều dự án treo; hiện trạng lãng phí đất đai ở các nông lâm trường quốc doanh trong khi người dân không có đất để canh tác… Từ những bất cập trên, báo cáo tham vấn kiến nghị cần cho người dân tham gia góp ý nhiều hơn nữa trong công tác quản lý đất đai và thực thi các chính sách pháp luật về đất đai. Cụ thể, cần có quy trình lấy ý kiến dân, tham vấn cộng đồng về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Các hình thức lấy ý kiến nhân dân phải được tổ chức chặt chẽ, thực sự thể hiện nguyện vọng của người dân. |
- 152
- By Admin
- 23/03/2013
- 17