Vẫn quên hạ tầng khi xử nạn đô thị bỏ hoang
Tại khu đô thị Mỗ Lao - Hà Nội, nhiều tuyến vỉa hè, hạ tầng bị bỏ quên nhiều năm. Ảnh: Minh Tuấn. |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý dự án, Sở Xây dựng Hà Nội.
Điều lệ sẽ tác động thế nào đối với quá trình thực hiện dự án?
Nếu có Điều lệ thì tình hình sẽ khác, lộ trình từng hạng mục đều rất rõ ràng. Cơ quan nhà nước xuống kiểm tra tại thời điểm nào chỉ cần mang Điều lệ quản lý ra là thấy. Trên cơ sở quyết định phê duyệt của thành phố, chủ đầu tư phải lập kế hoạch chi tiết từng hạng mục để triển khai để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và xã hội phải được xây dựng trước.
Phải làm xong hạ tầng kỹ thuật và xã hội thì mới được xây nhà bán. Tránh trường hợp chỗ nào khó giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư bố trí hạ tầng xã hội, trường học. Mấu chốt của Điều lệ là quy định thời gian, trách nhiệm thực hiện để hoàn thành theo đúng như phê duyệt dự án. Tránh tình trạng cấp phép làm đô thị nhưng không biết bao giờ xong, bao giờ có đô thị.
Nhưng khi thiếu chế tài, nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của Điều lệ?
Đúng là Điều lệ không ghi chế tài. Nhưng thực ra với từng lĩnh vực đã có quy định của pháp luật, chế tài ghi trong các luật khác. Ví dụ, nếu bỏ hoang đất trong 24 tháng thì sẽ bị thu hồi, sử dụng đất trái mục đích cũng bị xử lý.
Điều lệ này tạo ra kênh báo cáo để cơ quan quản lý nắm được tình hình, tránh rơi vào thế bị động. Với những dự án mới thì phải lập, với dự án đang dở dang thì cũng yêu cầu lập rõ tiến độ thực hiện kế hoạch còn lại. UBND thành phố sẽ phê duyệt Điều lệ cho các dự án.
Sau nhiều năm triển khai, hàng chục ha đất tại khu đô thị Hà Phong (Mê Linh - Hà Nội) vẫn bỏ hoang. |
Bộ Xây dựng vừa kiến nghị không cho phép chia lô bán nền. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng, tuỳ dự án, tuỳ từng vùng để quyết định. Ví dụ, vùng sâu vùng xa làm toàn nhà cao tầng thì ai ở? Nhưng trong trung tâm Hà Nội thì không thể cứ chia lô được. Trong Điều lệ lần này xác định rõ: Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải xây nhà hoàn chỉnh rồi mới bàn giao cho dân. Vướng mắc là Nghị định 02 quy định điều chỉnh các dự án từ 20 ha trở lên.
Thực tế, Hà Nội lại rất nhiều dự án nhỏ hơn 20 ha nhưng rất cần được quản lý nên chúng tôi đề nghị áp dụng cả những dự án nhỏ hơn 20 ha. Nghị định mới thay thế Nghị định 02 cần sớm được ban hành để tạo hành lang pháp lý quản lý tốt các dự án...
Cảm ơn ông.
(Theo TPO)
- 0
- By Admin
- 25/07/2011
- 17