Văn phòng hạng A tại Hà Nội đang tăng giá
Theo báo cáo từ Savills, trong quý IV/2015, Hà Nội có thêm 3 dự án tòa nhà văn phòng cho thuê mới đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 81.000m² sàn cho thị trường, đẩy nguồn cung văn phòng tại Hà Nội tăng thêm 5,5% so với quý trước và 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá thuê tại các văn phòng hạng A cũng ghi nhận tăng thêm 1,8% tính theo quý và 2,1% tính theo năm. Mức tăng này được nhận định là khá mạnh nhất là khi thị trường đã phải trải qua một thời gian dài liên tục giảm giá. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do nguồn cung văn phòng hạng A tại trung tâm đang ngày càng khan hiếm, các tòa nhà cho thuê đáp ứng tiêu chuẩn cao, diện tích phù hợp hầu như đã được lấp đầy đến 90%. Sự khan hiếm này sẽ được giải tỏa khi nguồn cung từ 16 dự án mới với hơn 260.000m² sàn sẽ đổ bộ vào thị trường trong năm 2016 tới đây.
Savills cho rằng, văn phòng hạng A tại Hà Nội có giá thuê tăng mạnh. Ảnh minh họa |
Trong khi văn phòng hạng A tăng giá mạnh thì phân khúc hạng B và hạng C lại lần lượt giảm giá. Theo ghi nhận của Savills, hạng B đã giảm mạnh đến 4,8% và hạng C giảm 2,4% so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của toàn thị trường đạt 83,4%, giảm 0,7 so với quý trước. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các tòa nhà mới đi vào hoạt động nâng tỷ lệ trống tăng lên, ngoại trừ các các tòa nhà Hạng A tại khu vực trung tâm còn lại các dự án mới đều có tỷ lệ lấp đầy thấp.
Bên cạnh đó, khối bán lẻ tiếp tục chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ khi tổng nguồn cung mặt bằng đã đạt khoảng 1,1 triệu m², tăng 14,7% so với quý trước và 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê bình quân toàn phân khúc cũng ghi nhận tăng mạnh ở mức 12,6% theo quý. Tuy nhiên mức tăng này chủ yếu là do trong quý này các trung tâm thương mại có sự điều chỉnh giá thuê tăng cao đến 21,2%, còn cả khối đế bán lẻ và trung tâm bách hóa đều giảm giá thuê lần lượt là -0,6% và -5,1%.
Mặc dù giá thuê tăng nhưng tỷ lệ lấp đầy bình quân toàn thị trường cũng vẫn ghi nhận tăng thêm 1,7% theo quý và 7,5% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy của trung tâm bách hóa cũng tăng 15,4%, theo sau là khối đế bán lẻ và trung tâm thương mại ở các mức 7,5% và 6,2%.
Savills cho rằng, năm 2015 là năm ghi nhận nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ tại Hà Nội. Central Group mua 49% siêu thị điện máy Nguyễn Kim, AEON nắm giữ 30% Fivimart và 49% Citimart, trong khi Vingroup đã thâu tóm 80% Triển lãm Giảng Võ và 100% Vinatexmart. Việc ký kết các hiệp định thương mại khu vực đã khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà bán lẻ quốc tế. Vì vậy sự cạnh tranh mạnh mẽ được dự báo sẽ còn tiếp diễn đối với phân khúc này.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ online)
- 0
- By Admin
- 13/01/2016
- 17