Vẫn còn xin - cho trong cấp phép xây dựng
Chủ đầu tư có thể sẽ được cấp phép xây dựng theo từng hạng mục. (Ảnh minh họa)
Rút gọn nhưng vẫn rườm rà
Phân tích tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cả nước, Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ công trình xây dựng có phép hiện nay đạt hơn 90% tổng số công trình xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2010, số công trình xây dựng sai với nội dung giấy phép giảm còn 3,2%. Theo Bộ Xây dựng, kết quả trên đạt được nhờ việc phân cấp quản lý cấp phép xây dựng cho chính quyền địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.
Tuy thế, các địa phương thừa nhận, tỷ lệ mặc dù giảm xuống nhưng số lượng thực tế các công trình xây dựng không phép, sai phép vẫn lớn. Điều đáng nói nhất là nhiều nơi chưa được phủ kín quy hoạch chi tiết. Tình trạng này đang gây vướng mắc và làm nảy sinh nhũng nhiễu trong việc cấp phép xây dựng.
Mặt khác, ở những khu vực có yêu cầu quản lý về kiến trúc lại chưa có thiết kế đô thị hoặc chưa có quy định về quản lý kiến trúc cũng gây khó khăn cho công tác cấp phép, dễ gây sự tùy tiện khi thỏa thuận về kiến trúc công trình. “Việc xây dựng phải xin thỏa thuận của Sở Quy hoạch - Kiến trúc dễ phát sinh chuyện xin - cho. Thực tế trong cùng một khu đất, nhiều nhà chỉ được xây tới 3-4 tầng, nhưng một số nhà khác lại được xây tới 9-10 tầng” - đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết
Ngoài ra, thủ tục hành chính được cho là đã rút gọn song một số địa phương lại tự ý “đẻ” thêm thủ tục, làm khó người dân. Một số người dân, doanh nghiệp kêu ca, Luật Xây dựng quy định khi xin cấp phép xây dựng chỉ phải nộp có 3 thủ tục gồm đơn xin cấp phép, giấy tờ về sở hữu nhà đất, hồ sơ thiết kế công trình, nhưng tại một số quận của Hà Nội, các thủ tục niêm yết xin cấp phép xây dựng lại quy định tới 7 loại.
Giải thích về các quy định “thêm nếm”, Sở này Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng cũng chỉ quy định có 3 thủ tục, còn những thủ tục khác về hợp đồng phá dỡ, hợp đồng vận chuyển, xác nhận của nhà liền kề... đều không bắt buộc và chủ yếu do quận, huyện... tự đặt thêm! Song, người dân cho biết, dù Sở Xây dựng nói không bắt buộc, nhưng nếu không nộp đủ các loại giấy tờ “ăn theo” thì sẽ không được cấp phép xây dựng.
Vì sao cứ yếu mãi?
Bàn việc sửa đổi chính sách cấp phép xây dựng để người dân dễ dàng tiếp cận hơn cũng như cơ quan quản lý làm việc tốt hơn, các địa phương cho rằng: “Nhiều nội dung quan trọng cần phải có trong giấy phép xây dựng như hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình... hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu các tiêu chí này được quy định cụ thể, sẽ hạn chế được tình trạng ở nhiều tuyến phố chính của Hà Nội nhà cửa lô nhô, chỗ màu xanh, chỗ lại vàng. Quy định chặt chẽ trong giấy phép cũng sẽ hạn chế được tình trạng nhân viên của cơ quan cấp phép có thể vòi vĩnh...”.
Bộ Xây dựng đề nghị, có thể sẽ cấp giấy phép xây dựng cho từng hạng mục trong tòa nhà. Theo đó, khi chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng cho cả công trình hoặc tất cả các công trình của dự án, nếu chủ đầu tư có nhu cầu, có thể đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo từng giai đoạn. Ông Hoàng Thọ Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, quy định này sẽ chỉ áp dụng đối với công trình lớn.
Chẳng hạn, tòa nhà vài chục tầng, khi chưa lấy hết ý kiến thỏa thuận của nhiều cơ quan, vẫn có thể cấp giấy phép cho làm trước phần móng. Tuy nhiên, với nhà dân, sẽ không cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ đồng tình: “Cấp phép theo giai đoạn để tháo gỡ cho chủ đầu tư. Nếu thanh tra xây dựng ở quận, huyện, phường, xã làm đúng chức trách của mình, chủ đầu tư khó có thể xây vượt trong hạng mục công trình đã được cấp phép”.
Nhiều địa phương cũng bày tỏ mong muốn được hoàn thiện hệ thống thanh tra xây dựng để lấp đi khoảng trống nhân lực phục vụ kiểm tra, quản lý nhất ở các cấp cơ sở. Tuy nhiên, ông Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt câu hỏi: “Các nước cấp phép xây dựng làm cụ thể, chi tiết, minh bạch và quản lý cũng rất chặt. Còn ở ta, tình trạng giấy phép xin 5 tầng, nhưng thực tế xây lên đến 7-8 tầng… còn khá phổ biến. Cơ quan quản lý thường chống chế do lực lượng thiếu và yếu nên không quản tốt được. Nhưng tại sao lại cứ yếu mãi như vậy?”.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ số công trình xây dựng có giấy phép tăng dần qua các năm, từ 71% năm 2005 lên 92% vào năm 2009. Tỷ lệ công trình xây dựng sai phép cũng giảm dần từ 22% năm 2005 xuống còn 3,2% năm 2009. |
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 14/08/2010
- 17