VLXD chưa hết khó
Giá tăng, tồn kho giảm
Doanh nghiệp VLXD tiếp tục đối mặt khó khăn, thua lỗ, thậm chí phá sản là chuyện không ngạc nhiên. Để hỗ trợ họ giảm bớt khó khăn, ngoài tăng cường sử dụng VLXD trong nước cho các công trình, cần thiết có hàng rào kỹ thuật hạn chế các sản phẩm nhập ngoại giá rẻ. TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD |
Qua thời gian dài đối mặt với khó khăn, thị trường BĐS khởi sắc từ đầu năm đến nay đã giúp ngành VLXD xuất hiện những tín hiệu tốt. Tính đến hết tháng 9, tiêu thụ của ngành thép và xi măng đều tăng so với cùng kỳ, trong đó thép tăng gần 3%, xi măng tăng với con số ấn tượng gần 12%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dù lượng thép xây dựng tiếp tục suy giảm nhưng doanh nghiệp sản xuất ống thép vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Lượng thép sản xuất tháng 9 đạt 68.734 tấn, giảm 9,47% so với tháng 8, nhưng tăng mạnh hơn so với cùng kỳ 2012 là 22,11%. Trong đó, mức tiêu thụ ống thép đạt 62.558 tấn, giảm trên 11% so với tháng 8, nhưng tăng 13,33% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, nối tiếp sự cải thiện từ quý II, tiêu thụ xi măng đã có sự cải thiện rõ rệt với mức tiêu thụ trong 9 tháng đạt 44,4 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt gần 10 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hầu hết nhà máy xi măng đều không sản xuất dư thừa nhiều so với mức tiêu thụ. Lượng tồn kho chỉ tương đương 12-14 ngày sản xuất.
Trong đó, tồn kho của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam 1,25 triệu tấn, chiếm gần 50% tồn kho của cả nước. Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, khối lượng tồn kho này là dự trữ cần thiết để sản xuất được ổn định. Một số mặt hàng khác cũng có sự cải thiện rõ rệt, như kính xây dựng hay gạch ốp lát hàng tồn kho đã giảm đáng kể với 20 triệu m2 gạch ốp lát và 12 triệu m2 kính xây dựng.
DN vẫn điêu đứng
Mặc dù đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng theo đánh giá của Hội VLXD Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng khó khăn. Nguyên nhân do ngành VLXD chưa thực sự thoát khỏi sự ảm đạm, nhiều chính sách tháo gỡ chưa kịp “ngấm”, mặt khác sự cạnh tranh quyết liệt từ VLXD ngoại nhập đang dồn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là thép vào đường cùng.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, thép Việt vẫn đang bị thép giá rẻ của Trung Quốc lấn lướt, với giá bán thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn.
Dù có khởi sắc so với cùng kỳ, ngành VLXD vẫn chưa hết khó khăn |
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng lượng thép và nguyên liệu sản xuất thép nhập khẩu vào Việt Nam tính đến 31-8 đạt trên 8,54 triệu tấn. Trong đó, phôi thép 275.765 tấn, bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái; thép tấm lá đen 3,25 triệu tấn, bằng 108% so với cùng kỳ; thép cuộn 113.376 tấn...
Lượng thép cuộn nhập khẩu giảm, nhưng thép cuộn hợp kim chứa nguyên tố Bo lại tăng mạnh do được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Chính sự cạnh tranh dữ dội của thép giá rẻ từ nước ngoài, cộng với tình hình khó khăn trong nước, đã kéo lùi ngành thép.
Thậm chí, cùng với những nhà máy nhỏ tiếp tục phải đóng cửa, thu hẹp phạm vi sản xuất, một doanh nghiệp khá đình đám là Thép Việt Ý đã phải dừng sản xuất 46 ngày do lượng tồn kho nguyên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường này được dự báo sẽ càng trở nên khó khăn khi mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tăng do hàng loạt nhà máy mới gia nhập thị trường, như các nhà máy mới của CTCP Thép Miền Trung, Thép Hòa Phát (với công suất 450.000 tấn/năm), CSVC Sumikin (công suất 1,2 triệu tấn)…
Tương tự, bức tranh của ngành xi măng cũng không sáng sủa hơn. Dù tiêu thụ 9 tháng của ngành này khá tích cực, nhưng dự báo khả năng tiêu thụ xi măng trong các tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn, bởi đây sẽ là mùa thấp điểm xây dựng do thời tiết mưa bão.
Ngành xi măng lại vừa tăng giá bán với mức trung bình 50.000-90.000 đồng/tấn để bù đắp chi phí đầu vào và đang có khả năng tăng tiếp trong quý IV. Bên cạnh đó, dù lượng tiêu thụ tăng nhưng chủ yếu do xuất khẩu, còn sức mua trong nước vẫn giảm sút.
Đơn cử như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), sản lượng xuất khẩu trong 9 tháng bằng 158% so với cùng kỳ, riêng quý III là 166% so với quý trước và bằng 394% so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, việc xuất khẩu xi măng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ bởi lợi nhuận thu về không nhiều, thậm chí càng xuất khẩu càng lỗ.
Sự khó khăn của doanh nghiệp xi măng cũng được thể hiện qua báo cáo tài chính quý III-2013, theo đó phần lớn doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ nặng. Điển hình như Xi măng Hà Tiên 1 lỗ đến 70 tỷ đồng trong 9 tháng. Tương tự, các doanh nghiệp VLXD như gốm sứ, tấm lợp… cũng liên tục báo lỗ.
- 215
- By Admin
- 29/10/2013
- 17