Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự luật Đăng ký bất động sản: Dự luật mở thêm "cửa" cho sự phiền hà?
Do tính chất quan trọng của 2 dự luật mà UB Pháp luật của QH đã tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng và chỉ ra nhiều thiếu sót, bất hợp lý trong dự luật..., mà nếu không xử lý tốt sẽ tạo thêm sự phiền hà cho người dân.
Mở thêm sự phiền hà?
Đối với Dự luật Đăng ký bất động sản, theo tờ trình của Chính phủ và theo quy định của dự thảo luật thì đăng ký bất động sản do văn phòng đăng ký bất động sản là đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện; đồng thời văn phòng này có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Thường trực UB Pháp luật của QH cho rằng, việc cấp GCNQSDĐ là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không thể và không nên giao cho văn phòng đăng ký bất động sản - là đơn vị sự nghiệp - làm chức năng cung cấp dịch vụ công thực hiện.
Hơn nữa, quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận, vừa phải đăng ký đối với bất động sản đó thì mới được tham gia vào các giao dịch dân sự là không hợp lý, làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây tốn kém, phiền hà cho dân là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ. Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ bức xúc: "Để có quyền của mình đối với một tài sản, không biết người dân sẽ phải đi qua bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu "cửa" nữa, thật nhiêu khê và phiền hà quá".
Còn nhiều bất hợp lý
Bất động sản theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm các vấn đề liên quan đến đất đai, nhà ở, công trình xây dựng, hầm mỏ, rừng, mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản... Các loại bất động sản này hiện đang do nhiều đạo luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng... điều chỉnh.
Mỗi loại bất động sản có cơ chế điều chỉnh khác nhau và thuộc phạm vi quản lý nhà nước của những bộ, ngành khác nhau. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu dùng một đạo luật điều chỉnh việc đăng ký để từ đó cấp một giấy chứng nhận chung, thậm chí là đăng ký mọi sự biến động, chuyển dịch đối với tất cả các loại hình bất động sản là không hợp lý.
Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, khi đề cập đến bất động sản để từ đó đăng ký hay cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì đối tượng chủ yếu là đất đai và nhà ở dân sinh; nếu đặt vấn đề như dự thảo luật thì phải đăng ký cả các công trình xây dựng như nhà máy, bệnh viện, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh... và đối tượng phải đăng ký không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà còn là các nhà đầu tư nước ngoài. Thẩm tra về vấn đề này, UB Pháp luật của QH cho rằng, đây là một vấn đề không đơn giản và không phù hợp.
Gộp 3 "sổ đỏ" làm một"
Theo quy định, hiện đang tồn tại ba loại giấy chứng nhận liên quan đến đất và tài sản gắn liền với đất là "giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCNQSHNƠ & QSDĐƠ)" (còn gọi là sổ hồng) được cấp theo Nghị định 60-CP, ngày 5.7.1994; GCNQSDĐ được cấp theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP, ngày 29.10.2004 về thi hành Luật Đất đai năm 2003 và được cấp thống nhất đối với mọi loại đất (còn gọi là sổ đỏ); GCNQSHNƠ & QSDĐƠ được cấp theo Nghị định số 95/NĐ-CP, ngày 15.7.2005 và được cấp đối với cả nhà ở, đất ở.
Dự thảo Luật Đăng ký bất động sản dự kiến quy định từ nay sẽ cấp một loại giấy là "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" theo mẫu thống nhất trong cả nước và quy định cả ba loại giấy trên vẫn còn giá trị pháp lý. Thường trực UB Pháp luật của QH tán thành chủ trương của Chính phủ về việc cấp một loại GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, do Luật Đăng ký bất động sản là luật về thủ tục, trong khi quy định về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là một trong những nội dung quan trọng của Luật Đất đai và cần được quy định trong Luật Đất đai - mới là hợp lý.
Vì vậy, UB Pháp luật kiến nghị nghiên cứu, quy định vấn đề này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai - sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
- 0
- By Admin
- 26/08/2008
- 17