• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ủy ban Thường vụ QH: Kiến trúc sư trưởng phải có thực quyền

Ủy ban Thường vụ QH: Kiến trúc sư trưởng phải có thực quyền

Nếu quy định thiết chế kiến trúc sư trưởng vào luật thì kiến trúc sư trưởng phải có thực quyền về quy hoạch và quản lý trong chính quyền đô thị. Trong ảnh: Một góc trung tâm TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ, quận 1. Ảnh: HTD

Chưa thống nhất được quan điểm để Hà Nội và TP.HCM tự tổ chức lập quy hoạch TP.

Hôm qua (21-4), cho ý kiến lần cuối về dự án Luật quy hoạch đô thị trước khi trình QH xem xét vào kỳ họp tới, UBTVQH vẫn chưa “gút” được là có hay không quy định thiết chế kiến trúc sư trưởng vào luật.

Chấm dứt tư duy nhiệm kỳ?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết: Đầu những năm 1990, học tập kinh nghiệm nước ngoài nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho thí nghiệm mô hình kiến trúc sư trưởng ở Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng trực tiếp quyết định bổ nhiệm chức danh này và giao cho họ rất nhiều quyền. Nhưng sau chín năm thực hiện thấy không hợp lý lại đổi thành Sở Quy hoạch-Kiến trúc. “Bây giờ lại đề nghị quy định vào luật trong khi chưa có tổng kết gì thì tôi thấy rất băn khoăn” - Chủ tịch QH nói.

Theo giải trình của Bộ Xây dựng, chính quyền đô thị khi gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến các quyết sách xây dựng và phát triển đô thị thường lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc tham khảo các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức này không có tiếng nói quyết định đối với việc định hướng phát triển đô thị. Vì thế không thể can thiệp kịp thời và trực tiếp đến với những dự án và quyết sách lớn. “Để nâng cao năng lực và tính hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc cho chính quyền đô thị nhằm cải thiện không gian kiến trúc, duy trì bản sắc, bảo đảm vẻ đẹp thống nhất, hài hòa của đô thị trong quá trình phát triển trước mắt và lâu dài, việc thực hiện thiết chế kiến trúc sư trưởng là cần thiết” - báo cáo nói rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính ủng hộ thiết chế kiến trúc sư trưởng: Ở phương Tây, người ta đã chấm dứt thiết chế kiến trúc sư trưởng mười, mười lăm năm nay. Nhưng ở đó người ta đã có văn minh đô thị, quy hoạch-kiến trúc đã ổn định rồi. Còn ở ta thì tốc độ đô thị hóa đang rất cao, cần có một nhạc trưởng để quản lý. “Quan điểm của ban soạn thảo là khi lập kiến trúc sư trưởng thì điều tự nhiên là vai trò của Sở Quy hoạch-Kiến trúc sẽ chấm dứt, giải tán... Quy hoạch hiện nay nhiều khi bị thay đổi theo cá nhân lãnh đạo hoặc từng nhiệm kỳ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính thống nhất, đồng bộ của quy hoạch, kiến trúc đô thị” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bổ sung.

Lo không có thực quyền

Cũng đồng tình với quy định lập kiến trúc sư trưởng nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân vân: Muốn thành lập cái gì thì phải cho nó quyền lực và tuân thủ triệt để. Tôi thấy rằng với cơ cấu quyền lực hiện nay thì thành lập ra kiến trúc sư trưởng chỉ để ngồi mà thôi. Chúng ta có thực hiện được rằng khi kiến trúc sư trưởng chưa ký vào thì không được triển khai quy hoạch, xây dựng hay không? Hay là cái này ông bí thư quyết rồi, ông chủ tịch quyết rồi, đến khi ông kiến trúc sư trưởng đến nói thì được trả lời “thôi cậu về đi, tớ quyết rồi!”.

Ủy ban Thường vụ QH: Kiến trúc sư trưởng phải có thực quyền 1
Thời Pháp thuộc, kiến trúc sư trưởng có quyền quản lý việc xây dựng - kiến trúc không gian đô thị. Trong ảnh: Nhà hát lớn TP.HCM, một công trình kiến trúc thời Pháp được chiếu sáng trong ánh đèn nghệ thuật

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói thêm: “Như tôi được biết là thời Pháp thuộc, thẩm quyền kiến trúc sư trưởng rất lớn. Ông này có quyền cho phép xây cái nhà hay không, xây theo phong cách thế nào... chứ không phải chỉ là tham mưu, tư vấn cho chủ tịch UBND như dự thảo luật quy định”. Cùng suy nghĩ với ông Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng muốn chấm dứt tình trạng quy hoạch theo nhiệm kỳ, theo ý thích của từng ông lãnh đạo thì cần trao quyền hạn rõ ràng cho kiến trúc sư trưởng. Đồng tình, ông Trần Ngọc Chính nói rằng kiến trúc sư trưởng phải có thực quyền và việc chọn kiến trúc sư trưởng phải kỹ càng, có đủ năng lực, uy tín được các hiệp hội nghề nghiệp chấp nhận.

Đối với thẩm quyền lập quy hoạch hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: một là giao cho UBND hai TP này tổ chức lập quy hoạch hai là giao thẩm quyền này cho Bộ Xây dựng. Chủ tịch QH nêu vấn đề: “Thực tế cho thấy quy hoạch hai đô thị này nó gắn bó chặt chẽ với quy hoạch vùng, với sự phát triển, liên thông của cả vùng đó: cần bao nhiêu cầu, bao nhiêu đường cao tốc, bao nhiêu khu công nghiệp, bao nhiêu làng nghề... Như vậy, việc để cho Bộ Xây dựng chủ trì làm hay UBND TP chủ trì làm là vấn đề cần cân nhắc kỹ”. Đại diện Ủy ban Kinh tế, ông Hiền bày tỏ: “Vấn đề đặt ra là không ai hiểu định hướng phát triển, điều kiện kinh tế, không gian ở TP đó bằng chính quyền đô thị nơi đó. Hơn nữa, UBND tổ chức lập quy hoạch thì Bộ Xây dựng vẫn tham gia, thẩm định và khi đó quy hoạch vẫn đảm bảo gắn với định hướng phát triển vùng”. UBTVQH quyết định trình hai phương án để QH quyết.

Các kiến trúc sư góp ý dự luật

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất: Nếu không có kiến trúc sư trưởng, bộ mặt đô thị sẽ bị vỡ và rối, không bản sắc mà Đà Lạt là một ví dụ xót xa.

Kiến trúc sư Trang Bảo Sơn: Phải có tổng kết thời Kiến trúc sư trưởng đã làm được gì, không làm được gì thì mới tính được chuyện có nên tái lập kiến trúc sư trưởng hay không. Đừng vội ban hành luật chỉ để phủ kín luật vì luật phải mang tính định hướng lâu dài.

Kiến trúc sư Lương Anh Dũng: Tôi rất nhất trí với việc thành lập lại chức danh kiến trúc sư trưởng. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể cấp trên nào bổ nhiệm kiến trúc sư trưởng chứ không nên chung chung như dự luật: “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm”.

(PV ghi nhận tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật quản lý đô thị)


Theo Phap luat TP HCM

  • 170
  • By Admin
  • 22/04/2009
  • 17