• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ước mơ sở hữu nhà của nhiều người Mỹ “tan thành mây khói”

Theo nhà sử học kiêm xã hội học Thomas Sugrue, sở hữu nhà đất được coi như “lá chắn tinh thần, bảo vệ Mỹ khỏi những ảnh hưởng nguy hiểm bên ngoài". Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, việc sở hữu nhà đất lại được xem như một yếu tố quan trọng để đánh giá một cá nhân thành đạt, hộ gia đình thịnh vượng, an ninh ổn định.

Trong giai đoạn 1940-2004, tỷ lệ sở hữu nhà của người dân Mỹ đã không ngừng gia tăng và có xu hướng bùng phát vào năm 1980 khi tỷ lệ lãi suất tăng cao một cách không thể giải thích được. Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng dân chủ đã đặt mục tiêu có 67,5% người Mỹ sở hữu nhà riêng vào năm 2000. Mục tiêu này đã đạt được và được người kế nhiệm Đảng cộng hòa - Tổng thống George W Bush nâng lên với hy vọng sẽ mở rộng “việc sở hữu nhà đất cho toàn bộ công  dân Mỹ”.

Theo số liệu điều tra, tỷ lệ sở hữu nhà đất ở Mỹ đã tăng đến đỉnh điểm là 69,2% vào cuối năm 2004. Nhưng tỷ lệ này đã tụt xuống một cách trầm trọng khi xảy ra cuộc khủng hoảng.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết tỷ lệ 67,2% dân số sở hữu nhà đất vào cuối năm 2009 có thể bị giảm khoảng 5,6%, vì một số ngôi nhà mới trên thực tế thuộc sở hữu của các ngân hàng nhiều hơn là của người dân mua. Điều này khiến cho tỷ lệ sở hữu nhà đất hiện nay ở Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1960 và vẫn có thể giảm hơn nữa.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho việc đáo nợ của 1,3 triệu người vay. Tuy nhiên, đến tháng 7/2010, gần 50% số người vay không thể trả nợ dù đã được ưu đãi về lãi suất. Cũng có một số người cố tình không trả nợ vì tiền vay mua nhà có lẽ còn nhiều hơn số tiền dự kiến bán nhà. Theo dự báo, trong năm 2010 sẽ có hơn 1 triệu căn nhà ở Mỹ bị rao bán vì những người đi vay tiền mua nhà không có tiền trả nợ.

Từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 đến nay sự sụp đổ của thị trường nhà ở là nguyên nhân của 7 trong 8 cơn suy thoái tại Mỹ. Thị trường nhà ở đóng băng hiện nay một lần nữa cho thấy các dự báo việc phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ là không có cơ sở. Tăng trưởng GDP của Mỹ thực tế đã giảm trong quý II/2010 xuống còn 1,6% so với dự đoán 2,4% trước đó. Đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2009. Số liệu trên cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục "trì trệ" trong quý III và quý IV năm nay.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama dự định vào đầu năm tới sẽ tiến hành giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nhà đất trong những thập kỷ qua. Hiện vẫn chưa rõ Bộ Tài chính dự định cải cách thị trường nhà đất ra sao, nhưng có một điều chắc chắn là nước Mỹ sẽ không còn có thể duy trì tỷ lệ sở hữu nhà đất ở mức trước khủng hoảng.

Sự thành lập các tập đoàn cho vay Fannie Mae và sau này là Freddie Mac cho thấy rõ mục tiêu cổ vũ việc sở hữu nhà đất của các chính phủ nối tiếp nhau. Tuy nhiên, khi khủng hoảng nổ ra và hàng triệu người Mỹ phải gồng mình thanh toán các hóa đơn trả nợ mua nhà hàng tháng, người ta mới nhận ra một sự thật đau lòng là không phải người Mỹ nào cũng có khả năng  sở hữu và quản lý nhà riêng. Vụ sụp đổ của Fannie Mae và Freddie Mac đã gây chấn động toàn cầu, đẩy nước Mỹ rơi vào chu kỳ suy thoái và sau đó suy trầm lan ra toàn thế giới.

Nhận thức này đã hỗ trợ cho cách tiếp cận của Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Động thái chỉnh đốn lại toàn bộ hai tập đoàn Fannie và Freddie có thể giảm hơn nữa cơ hội tiếp cận đồng vốn đối với những người không rủng rỉnh tiền bạc, dập tắt ước mơ được nhen nhóm trong xã hội Mỹ hàng thập kỷ qua. Hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm, giá nhà giảm sút và nhiều người vẫn đang chật vật chi trả các hóa đơn hàng ngày.

Giấc mơ sở hữu nhà không thể trở thành hiện thực khi kinh tế yếu kém vẫn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp 9,6% chưa thể giảm xuống “một sớm, một chiều”.

(Theo Tamnhin)

  • 154
  • By Admin
  • 10/11/2010
  • 17