Tuyến metro số 2 chậm tiến độ 4 tháng
Đây là những thông tin mới nhất được Ban quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM cho biết tại hội thảo giải pháp thiết kế nhà ga ngầm của tuyến tàu điện ngầm số 2, được tổ chức hôm nay, 23/4.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM (MAUR) cho biết, theo tiến độ dự kiến trước đây thì thiết kế và thi công sẽ hoàn tất trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017, chạy thử và đưa vào khai thác năm 2018.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ này đã chậm 4 tháng, nếu phấn đấu điều chỉnh thiết kế trong năm 2014 và được sự đồng thuận của người dân khi công bố ranh vào cuối năm 2014 thì dự án sẽ chậm khoảng 12 tháng. Như vậy dự án sẽ chậm một năm tức là năm 2019 tuyến tàu điện ngầm này mới có thể khai thác được.
Hướng tuyến metro số 2 - Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM |
Thiết kế của dự án đã được trình từ tháng 4/2013 và hiệu chỉnh bổ sung, hoàn thiện từng phần vào tháng 10/2013. Tại các nhà ga ngầm, đơn vị tư vấn thiết kế đặt lối lên xuống nằm trên lề đường Cách mạng Tháng 8 với quy hoạch lòng đường 25 mét, lề đường 5 mét, lộ giới 35 mét, bố trí di dời vĩnh viễn hạ tầng kỹ thuật hai bên thân nhà ga nằm ngoài lộ giới quy hoạch là 35 mét đường Cách mạng Tháng 8.
Tuy nhiên, ông Quốc cho biết nhiều người dân đã phản đối việc điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng. Không những vậy các hộ dân còn phản đối việc tích hợp tháp thông gió, tháp làm mát với lối lên xuống làm ảnh hưởng đến kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Một vấn đề khác là đa số người dân đề nghị Nhà nước có mức đền bù thỏa đáng bằng hoặc cao hơn giá thị trường để người dân nhanh chóng di dời.
Nhiều hộ dân liền kề ranh quy hoạch đề nghị chỉ thu hồi vĩnh viễn phần đất nằm trong lộ giới quy hoạch 35 mét đã được công bố.
Sau khi gặp phải sự phản đối của người dân, ngày 7/1/2014, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Ban quản lý Đường sắt đô thị điều chỉnh thiết kế lối lên xuống và tháp thông gió theo hướng tiết kiệm đất chiếm dụng, tận dụng bố trí vào các khu đất công để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Thành phố cũng yêu cầu việc di dời các công trình hạ tầng xung quanh nhà ga không nhất thiết phải di dời vĩnh viễn mà có thể di dời tạm sau đó trả lại đất cho người dân.
Do gặp phải nhiều khúc mắc trong việc điều chỉnh ranh giới giải phóng mặt bằng để xây dựng các nhà ga nên đến nay dự án vẫn chưa thế thi công được.
Tuyến metro số 2 dài gần 20 km, điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe Tây Ninh. Trong giai đoạn 1, Tp.HCM sẽ xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11km. Đoạn Bến Thành - Tham Lương bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) rồi đi ngầm 9,3 km trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú, xuyên qua một cửa ngầm dài 0,2 km rồi chạy trên cao một đoạn 0,8 km. Sau đó, chạy qua đoạn đường nối dài gần 1 km để vào khu depot ở Tham Lương, quận 12. Độ sâu trung bình là 18 mét, chiều rộng ảnh hưởng trên mặt đất trung bình 26 mét đã bao gồm 3 mét hành lang an toàn. Toàn tuyến có 10 ga ngầm, một ga trên cao. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1,37 tỉ đô la Mỹ, trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay 540 triệu đô la, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho vay 313 triệu đô la và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho vay 195 triệu đô la Mỹ. Số còn lại trên 326 triệu đô la từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam (chi phí này không bao gồm các hạng mục xây nhà ga Bến Thành và chi phí vận hành bảo dưỡng). |
- 0
- By Admin
- 23/04/2014
- 17