Tương lai của sàn BĐS: Chưa tìm thấy lối ra
"Kỳ nghỉ bất đắc dĩ"
Gần một tháng sau kì nghỉ tết Nguyên Đán, tuy nhiên khá nhiều SGD BĐS ở Tp.HCM chưa hoạt động trở lại, một số SGD nhân viên đã đi làm nhưng tình hình giao dịch rất trầm lắng, uể oải.Thời điểm thị trường BĐS sôi động, khu vực quận 2, quận 9 các SGD mọc lên như nấm. Tuy nhiên hiện nay ở các khu vực này, nhiều SGD đã lặng lẽ đóng cửa, thu hẹp quy mô nhân sự.
Anh Tuấn, nhân viên bán hàng của SGD K.O không khỏi thất vọng khi phải nghỉ việc: "Đến nay đi làm cho có vì công ty vẫn chưa có kế hoạch gì cụ thể, nhiều người thấy nản và muốn nghỉ việc".
Cũng theo anh Tuấn, đây cũng chính là lý do ra tết hàng loạt các công ty BĐS thông báo tuyển dụng nhân viên kinh doanh mới để thay thế cho những nhân viên không chống chọi được với sự ế ẩm của thị trường BĐS hiện nay.
Cảnh giao dịch vắng vẻ tại một sàn giao dịch bất động sản tại trung tâm Tp.HCM. (Ảnh: Thanh Quý) |
Ngay cả với các SGD có quy mô lớn cũng không thoát khỏi những khó khăn. Ông Đỗ Duy Thoan, Giám đốc SGD ABLAND cho biết: "Hiện SGD có gần 10 nhân viên bán hàng, tất cả đều đã đi làm lại. Tuy nhiên, hiện sàn chúng tôi chỉ tập trung giải quyết những công việc còn lại trong năm chứ chưa chạy các dự án. Phần vì nhà đầu tư chưa tung các dự án mới, phần vì đầu năm lượng khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và mua sản phẩm BĐS không nhiều".
Ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Nam Việt cho biết: "Hiện tại, sàn Nam Việt chỉ tập trung bán tiếp các dự án còn lại trong tết, sau đó thì phải đợi chủ đầu tư cung cấp dự án mới cũng như xem xét nhu cầu thực tế trên thị trường thì mới có hướng phát triển cụ thể cho năm nay".
Tập trung vào thị trường BĐS truyền thống là nhà lẻ - người dân có nhu cầu mua để ở thực...đã giúp cho hoạt động của SGD ACB không quá trầm lắng. Tuy nhiên, ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc SGD ACB nhìn nhận năm 2012 sẽ có nhiều thử thách đối với các SGD BĐS.
"Hiện nay chúng tôi tập trung vào phân khúc thị trường BĐS ở các tỉnh. Tại Tp.HCM thì chú ý tới các căn hộ giá vừa phải, thanh khoản dễ dàng hơn, rủi ro cũng được giảm thiểu".
Chưa thấy lối ra
Quý I sắp hết, nhưng đến nay thị trường BĐS vẫn đang trong tình trạng..."bất động", khiến không ít những người kinh doanh trong lĩnh vực này băn khoăn, lo lắng.Nói về hi vọng ít ỏi còn lại cho các SGD BĐS, ông Đỗ Huy Thoan, Giám đốc SGD ABLAND cho rằng: "Theo tôi, nếu vớt vát lấy một điểm sáng trong thị trường BĐS hiện nay, có lẽ thị trường đất nền ở các tỉnh lân cận Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương Long An...là đáng nói nhất. Vì giá đất nơi này còn thấp, trong khi hạ tầng tương đối tốt, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận người dân".
Dự án đang triển khai tại quận 2 Tp.HCM, nhưng khách hàng thực mua rất thưa vắng. (Ảnh: Thanh Quý) |
Còn theo Giám đốc SGD ACB Ngô Đình Hãn, các giao dịch hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu để ở của người dân là chính với các sản phẩm BĐS từ 2 - 5 tỷ, còn những sản phẩm có giá cao hơn rất khó chào bán.
Tuy nhiên, T.S Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế bày tỏ: "Rất nhiều ý kiến cho rằng Chính Phủ đã siết chặt tiền tệ trong năm 2011 gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS, do vậy cần phải nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên các động thái, quyết định trong thời gian qua cho thấy chính sách của Chính phủ trong năm 2012 vẫn là thiên về kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, chuyển hướng dòng vốn vào khu vực nông nghiệp và sản xuất, hạn chế dòng vốn vào BĐS với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 15 - 17%. Như vậy năm 2012, là năm các Ngân hàng Thương mại thực sự giải quyết vấn đề nợ BĐS của các chủ đầu tư, vì thế lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn hơn năm 2011".
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng chỉ ra những khó khăn mà thị trường BĐS sẽ phải đối mặt trong năm nay: " Năm 2012 sẽ tiếp tục là năm khó khăn với tất cả các chủ thể từ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư thứ cấp đến người tiêu dùng, các tổ chức tín dụng. Thời gian qua một số Ngân hàng thông báo đưa ra mức lãi suất cho vay ở mức 14%, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận với nguồn vốn này, với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS lại càng khó".
"Với chính sách tiền tệ chặt chẽ mà Chính phủ đã đề ra thì trong vòng ít nhất 6 tháng đầu năm 2012 thị trường BĐS sẽ không thể hi vọng có được sự khởi sắc nào", ông Châu nói.
(Theo VEF)
- 0
- By Admin
- 27/02/2012
- 17