• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tung hỏa mù đấu giá

Theo thông tin từ một số quận, huyện ở Hà Nội, thời gian gần đây, tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, đã xuất hiện tình trạng một nhóm người đăng ký đấu giá khối lượng lớn, bỏ thầu giá đất thật cao để “thổi” giá đất lên.


Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại TP Hà Nội

Giá đẩy lên 3, 4 lần

Chiêu thức “làm giá” của cò và giới kinh doanh bất động sản là đóng tiền đặt cọc tham gia đấu giá và tâng giá lên trên mây để trúng nhằm làm “nóng” thị trường, tạo cầu giả để thu hút nhà đầu tư. Giới kinh doanh thường sử dụng mánh lới này ở những khu vực giáp ranh giữa quận và huyện ngoại thành. Anh Hợp, nhân viên một văn phòng nhà đất ở khu Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), cho biết cò đất và giới buôn bán bất động sản chiếm hầu hết số người đi đấu giá đất ở quận Hà Đông. Mục tiêu của việc tham gia đấu giá là găm hàng, sau đó “thổi” giá lên và bán lại cho người trượt, nếu không bán được thì bỏ thầu và bỏ tiền đặt cọc.

Không riêng quận Hà Đông, ở huyện Gia Lâm - Hà Nội, nhà đất vốn trầm lắng so với khu vực phía Tây thủ đô nhưng tại các phiên đấu giá, người thắng hầu hết là giới chuyên nghiệp chứ người dân có nhu cầu thực sự rất hiếm hoi. Anh Long, một người dân tham gia đấu giá, bộc bạch: “Gia đình tôi chờ đợi suốt 5 năm qua, mong mua được đất tại dự án khu 31 ha tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Biết giới cò đất thường vào thao túng, cả nhà tôi đã bỏ phiếu đấu giá nhưng quá thất vọng khi tất cả đều trượt...”.

Cả nhà anh Long bị trượt là do mặt bằng giá đất nhà vườn liền kề khoảng 15 triệu đồng/m2 nhưng khi đấu giá, các cò đã thổi lên 18-25 triệu đồng/m2. Thậm chí đất ở khu Vai Réo, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai cách trung tâm Hà Nội hàng chục km, lại ở vị trí không đẹp cũng được dân chuyên nghiệp đẩy giá lên tới 10 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Sau khi trúng giá, các đầu nậu đã  nâng lên tới 16-24 triệu đồng/m2 và không ít người dân lao vào mua.

Dính bẫy

Hệ quả từ trò hỏa mù này là không ít người dân, nhà đầu tư vì ham “lướt sóng” nhà đất đã lao vào mua lại đất từ các phiên đấu giá của giới đầu nậu với giá rất cao và dính bẫy. Chị Lan, một “nạn nhân”, tâm sự: “Gia đình tôi thấy giá bị đẩy lên cao cứ nghĩ khu vực Hà Đông sắp sốt đất trở lại nên gom mua hai lô tổng cộng trên 300 m2 của người trúng giá với chênh lệch hơn 1 tỉ đồng, nay giá đang rớt mà chẳng thấy ai hỏi...”.

Việc bỏ tiền đặt cọc những lô đất trúng đấu giá ở Hà Đông đã được lãnh đạo UBND quận này thừa nhận: “Khu đất đấu giá đường Ngô Thì Nhậm đã có nhiều người trúng nhưng phần lớn bỏ tiền cọc. Theo đúng quy định, sau một thời gian mà không nộp tiền mua, quận đã hủy kết quả trúng thầu để đấu giá lại”. Một số cán bộ trong ban quản lý dự án ở quận Hà Đông cho biết không thể đấu nổi với cò nhà đất ở đây. Họ thường trả giá rất cao nhằm gạt những người khác ra và sau đó đăng tin trên mạng hoặc gửi trực tiếp tại các văn phòng nhà đất bán lại suất trúng đấu giá. Để ngăn chặn tình trạng này, các địa phương đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép rút ngắn thời gian nộp tiền trúng giá và nâng mức đặt “cọc” tham gia đấu giá đất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh, cho rằng đấu giá đất là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển nhà ở của người dân. Vì vậy, các phiên đấu giá phải bảo đảm sự công bằng, song cũng cần tránh thất thu cho Nhà nước. Về các trường hợp trúng đấu giá nhưng lại “bỏ của chạy lấy người”, UBND TP yêu cầu theo đúng quy định hiện hành, quá 30 ngày, nếu người trúng không nộp tiền sẽ hủy kết quả đấu giá. UBND TP cũng lưu ý các hội đồng đấu giá khi lập phương án đấu giá phải quy định chặt chẽ các khoản phí, lệ phí theo quy định. TP giao các cơ quan chức năng tổ chức tốt các phiên đấu giá, bảo đảm công khai, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu tham gia, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Khanh nhắc nhở các quận, huyện không đấu giá đất bằng mọi giá. Đặc biệt, không phải hồ, ao nào cũng được phép lấp để đem đấu giá. Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phối hợp với các địa phương rà soát các ao, hồ; tổng hợp, kiến nghị phương án sử dụng báo cáo TP xem xét, quyết định.

(Theo NLĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 22/11/2010
  • 17