Trường hợp nào người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Trong trường hợp này, anh ấy có được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam không? Thủ tục và điều kiện như thế nào?
Mong luật sư tư vấn.
Chân thành cảm ơn!
tuoi.htt@...
Cá nhân nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện pháp luật có thể mua nhà ở tại Việt Nam (Ảnh minh họa, nguồn: Đầu tư chứng khoán) |
Trả lời:
Nghị quyết 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Thứ nhất, cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
Thứ hai, cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
Thứ ba, cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
Thứ tư, cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.
Đối với điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng người nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nêu trên phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định nêu trên, người bạn nước ngoài của bạn được quyền mua nhà ở tại Việt Nam nếu thuộc một trong các đối tượng được quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đáp ứng điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam như đã nêu trên.
Đối với thủ tục mua bán nhà ở, việc mua bán này phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Cụ thể, hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp mua nhà ở của cá nhân thì trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do hai bên thoả thuận. Trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở, bên bán sẽ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bên mua. Các bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và lệ phí theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Bắt đầu từ ngày 01/7/2015 (ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực), đối tượng là cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, điều kiện yêu cầu đối với đối tượng này sẽ được lới lỏng và mở rộng hơn so với quy định pháp luật hiện hành.
Theo đó, cá nhân nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi thuộc đối tượng và đáp ứng điều kiện sau đây:
1. Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, đáp ứng điều kiện có giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật nhà ở năm 2014 và pháp luật có liên quan;
2. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đáp ứng điều kiện có giấy tờ liên chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của luật Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đàm
(Công ty Luật TNHH Đất Luật)
- 361
- By Admin
- 16/12/2014
- 17