• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Trường học, bệnh viện quá tải sẽ phải di dời khỏi nội đô Hà Nội

Trao đổi với ông Đỗ Viết Chiến, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) về vấn đề này, ông cho biết:

Kế hoạch mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm giải quyết 2 vấn đề: tạo quỹ đất phát triển kinh tế và giảm sức ép cho khu vực trung tâm Hà Nội. Để giảm sức ép cho Hà Nội, không những phải kiểm soát mặt gia tăng cơ học về dân cư, mà còn phải phân bố lại các cơ sở công cộng trước đây phân bố chưa hợp lý. Trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất, các trường đào tạo quy mô lớn, các bệnh viện quy mô lớn.

Các đối tượng này trong đề xuất quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là phải giãn bớt ra bên ngoài. Đồng thời, các cơ sở này cũng sẽ là động lực cho các đô thị vệ tinh phát triển, đưa Hà Nội từ mô hình thành phố đơn cực sang thành phố đa cực, giảm tải cho vùng lõi đô thị.

Lộ trình giải quyết vấn đề này như thế nào?

Theo lộ trình, sau khi Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt sẽ chuyển sang các bước lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, còn một số quy hoạch chuyên ngành về mặt hạ tầng quy hoạch đô thị như: y tế, văn hoá, giáo dục… Có những quy hoạch trước đây đã được lập và phê duyệt, thì nay dựa vào những định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tinh thần mới.

Tóm lại, việc giảm tải cho nội đô sẽ được thực hiện song song với quy hoạch xây dựng Thủ đô mới. Đây là quá trình lâu dài, nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng Hà Nội xanh, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Hiện có hàng trăm cơ sở y tế, giáo dục nằm trong khu vực nội đô, nên chúng ta không thể cùng một lúc di dời tất cả. Vậy những cơ sở nào sẽ được di dời trước?

Đương nhiên, chúng ta không thể đồng loạt di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, vì yêu cầu khám chữa bệnh, học tập, làm việc là thường xuyên, liên tục. Những đối tượng di dời ngay là các cơ sở sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, các bệnh viện đã quá tải và ô nhiễm như bệnh viện lao phổi, bệnh viện da liễu… Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng phải cân nhắc. Những trường đại học, viện nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao có thể được giữ lại, còn những trường đào tạo nghề, đào tạo đại trà có thể di dời ra bên ngoài để giảm sức ép cho trung tâm Thành phố. Việc di dời chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, do sự phản ứng của những người đương nhiệm. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm, vì nếu không làm, đến một lúc nào đó, vùng lõi của Hà Nội sẽ quá tải.

Theo ông, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ thế nào để những cơ sở phải di dời có thể dời bỏ những khu "đất vàng" trong nội đô?

Trước hết, vẫn phải hài hoà lợi ích giữa những người đang làm việc tại các cơ sở này với những người đến sau và với Nhà nước. Tiếp đó là việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của nơi mới. Thứ ba là hoàn tất hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm Thành phố với các vệ tinh (theo tôi, đây là vấn đề quan trọng nhất). Giải quyết được những vấn đề đó, chúng ta mới có thể giảm tải cho nội đô.

Bao giờ thì việc di dời có thể bắt đầu?

Việc di dời được thực hiện sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt và cơ quan chức năng có quy hoạch chi tiết để bố trí địa điểm cho các cơ sở này.

Quỹ đất dự kiến cho các cơ sở này sẽ được tính toán ra sao?

Căn cứ trên Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đến bước lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, sẽ bố trí cụ thể các cơ sở phải di dời vào chỗ nào, vào đâu thì hợp lý.

(Theo Đầu Tư)

  • 168
  • By Admin
  • 27/08/2010
  • 17