• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Trước 31/12, hoàn thành dứt điểm GPMB dự án cầu Nhật Tân

Phối cảnh cầu Nhật Tân

Yêu cầu trên được đưa ra tại văn bản 5644/VP-GT của UBND thành phố Hà Nội gửi Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố và các đơn vị liên quan.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cũng yêu cầu Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di chuyển các công trình ngầm, nổi, đường điện 110KV… phục vụ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án thành phần đền bù, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu.
 
Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với UBND các quận, huyện: Tây Hồ, Đông Anh, Từ Liêm và các sở, ngành có liên quan để có văn bản thống nhất về đơn giá công trình, kiến trúc còn chưa có trong đơn giá, thời gian hoàn thành trong tháng 11/2010.
 
Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố giữ vai trò chủ trì trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án được thực hiện đúng kế hoạch.

Khởi công xây dựng từ tháng 3-2009, dự án đang gặp khó khăn trong công tác GPMB, đặc biệt là phần đường dẫn lên cầu phía bờ nam thuộc quận Tây Hồ. Tại phần đất ở liên quan đến 405 hộ dân với diện tích thu hồi là 3,62ha, phần lớn người dân không cho tổ công tác vào điều tra khảo sát…

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh: Đây là dự án vay vốn ODA của Nhật Bản nên công tác GPMB chậm ngày nào là phải trả lãi suất hoặc thậm chí bị cắt vốn ngày đó. Thành phố yêu cầu quận Tây Hồ tăng cường lực lượng thực hiện công tác điều tra, xác định nguồn gốc đất, sớm lên phương án đền bù cho dân sớm. Đến ngày 31-12-2010, UBND quận Tây Hồ phải hoàn thành dứt điểm công tác GPMB.

Bờ Bắc: "Nóng" nhất là thôn Ngọc Giang

Phần diện tích đất thuộc dự án nằm trên địa bàn huyện Đông Anh vào khoảng trên 92ha, đi qua địa phận các xã Vĩnh Ngọc, Tiên Dương và Vân Nội. Theo ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, tính đến thời điểm này, đối với 39 hộ dân có đất thổ cư thôn Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc) trong chỉ giới thu hồi đất, Hội đồng bồi thường hỗ trợ - GPMB huyện đang hướng dẫn chủ đầu tư lên phương án. 8 hộ có đất thổ cư xã Vân Nội (đều trong diện cắt xén một phần diện tích), Hội đồng đang kiểm tra cụ thể.

Với đất nông nghiệp, phần diện tích tại các xã Vân Nội và Tiên Dương cơ bản không vướng mắc. Riêng tại xã Vĩnh Ngọc, huyện đã phê duyệt 933/835 hộ, trong đó có 654 hộ đất thu hồi và 179 hộ đất trưng dụng. Còn hai hộ có đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP đang trong thời gian công khai dự thảo. Vướng mắc lớn nhất tại xã Vĩnh Ngọc nằm ở 116 hộ thôn Ngọc Giang với khoảng 170 phương án (gồm cả đất thu hồi và đất trưng dụng). Nếu "tháo" được "nút thắt" thôn Ngọc Giang, về cơ bản, công tác GPMB dự án trên địa bàn huyện sẽ được giải quyết. Thời gian qua, các bộ phận chức năng và các tổ chức, đoàn thể của huyện Đông Anh và xã Vĩnh Ngọc… đã tích cực tuyên truyền, vận động. Nhưng, các hộ này vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Do đó, huyện báo cáo UBND TP cho phép được áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 30-11-2010.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu huyện Đông Anh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án và sớm bàn giao mặt bằng. Với các hộ ở thôn Ngọc Giang, toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc để vận động, thuyết phục và cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ, chống đối nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Bờ Nam: Đề nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù

Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, diện tích đất phải GPMB của dự án là 24,35ha. Tính đến thời điểm này, quận và Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn đã thu hồi được 10ha đất nông nghiệp và một phần đất cơ quan, vẫn còn 5,61ha chưa bàn giao bao gồm 1,99ha đất thuộc Cục Hậu cần - Bộ Tổng tham mưu. Khó khăn lớn nhất là ở phần đất ở liên quan đến 405 hộ dân với diện tích thu hồi là 3,62ha. Khoảng 300 hộ dân không hợp tác, không cho tổ công tác vào điều tra khảo sát. Theo đánh giá của quận Tây Hồ, tuy phần diện tích đất ở không nhiều, nhưng lại là khu vực khó khăn và vướng mắc nhất do các hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù. Ngoài ra, phần đất liên quan đến đường dây 110kV có 14 hộ gia đình phải di chuyển, quận đã phê duyệt phương án và đền bù GPMB cho 6 hộ, còn 8 hộ sẽ phải tổ chức cưỡng chế.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án, quận Tây Hồ kiến nghị TP xem xét chấp thuận một số chính sách đặc thù, như điều chỉnh tăng đơn giá đền bù; với các hộ gia đình không ăn ở thường xuyên tại địa chỉ GPMB bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện được bồi thường theo giá đất ở, đề nghị TP bán cho một căn hộ tái định cư. Bên cạnh đó, quận cũng đề nghị TP bổ sung quỹ nhà tái định cư, vì hiện nay Sở Xây dựng mới bàn giao 360/405 hộ phải di chuyển; chuẩn bị tốt điều kiện tái định cư khu X2 - Xuân La vì người dân vào ở 3 tháng chưa có điện, có nước…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, đây là dự án vay vốn ODA của Nhật Bản, nên việc GPMB chậm ngày nào là phải trả lãi suất ngày đó, thậm chí bị cắt vốn. Do đó, tại quận Tây Hồ, TP yêu cầu phần mặt bằng liên quan đến đất nông nghiệp phải giải quyết dứt điểm ngay trong tháng 11 này, Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn phải di chuyển xong hệ thống đường dây điện 110kV trong tháng 1-2011. Riêng phần chính tuyến liên quan đến các hộ đất ở, UBND TP sẽ sớm xem xét những đề xuất của quận nhưng yêu cầu đến ngày 31-12-2010, UBND quận Tây Hồ phải hoàn thành dứt điểm việc GPMB. Ngoài ra, với nhà tái định cư phục vụ GPMB của dự án, TP cho phép lấy thêm các khu nhà A1, A2 (phường Phú Thượng) với 125 căn hộ bổ sung vào quỹ nhà tái định cư của dự án; Sở Xây dựng và quận Tây Hồ khẩn trương cấp điện, nước đầy đủ cho các hộ dân tại khu X2-Xuân La để người dân yên tâm về nơi ở mới.

(Theo DVT)

  • 0
  • By Admin
  • 16/11/2010
  • 17