• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Trung tâm thương mại nháo nhác "vỡ trận"

Báo cáo của các đơn vị tư vấn BĐS cho thấy, nhiều đại gia bất động sản nhận "quả đắng" khi đầu tư TTTM, các dự án lớn cứ nối đuôi nhau đóng cửa khiến phân khúc này trở thành một điểm đen của thị trường.

Tại Tp.HCM, theo quan sát vào một buổi sáng chủ nhật tại Union Square (Lê Thánh Tôn - quận 1), một TTTM sầm uất bậc nhất ở Sài Gòn, lượng khách ghé thăm khá vắng vẻ mặc dù đây thường là thời điểm đông khách nhất. Lượng khách ít ỏi này cũng không ghé các cửa hàng bán đồ xa xỉ, đông người "xem" nhất vẫn là vài chỗ treo bảng giảm giá 50%. Sau khi đã ngắm hàng... mỏi chân, tầng hầm phục vụ ăn uống trở thành nơi hút khách nhất.

Không đẳng cấp như Union Square, nhưng tại một TTTM bình dân hơn như Hùng Vương Plaza cũng không khá khẩm hơn. Một tiểu thương bán mỹ phẩm cho hay, khách hàng không còn mặn mà với TTTM này từ năm 2013 trở lại đây. Trước đây, shop của chị mỗi ngày có khoảng vài chục khách ghé, thì nay chỉ lác đác vài người.

Một tiểu thương ở An Đông Plaza cũng cho biết đang đồng cảnh ngộ khi lượng khách đến mua hàng sỉ ở đây giảm mạnh so với trước, chị chỉ dám lấy hàng cầm chừng, nhưng dù ế ẩm, giá mặt bằng tại đây vẫn không ngừng tăng.Tiểu thương này cho biết, chị sẽ chuyển sang trung tâm khác có giá hợp lý hơn trong thời gian tới.

Chị tiểu thương này cũng cho hay: “Hiện nay các TTTM mới mọc lên nhiều, chẳng hạn như Hùng Vương Square có giá thuê chỉ phải trả theo tháng nên kinh doanh sẽ đỡ chật vật hơn”.

Không chỉ có 2 TTTM trên, các TTTM khác như Thuận Kiều Plaza, Parkson, Diamond Plaza, Icon 68 ở Bitexco... đều kinh doanh không mấy thuận lợi. Chủ yếu các trung tâm này phải liên tục giảm giá, tung ra chương trình khuyến mại để hút khách. Để có thêm khách, nhiều đơn vị kinh doanh vốn chuyên về hàng xa xỉ đã buộc phải thay đổi xu hướng chuyển sang bán hàng ở cấp trung và bình dân.

Còn tại Hà Nội, đầu tiên, TTTM Hàng Da Galleria (chợ Hàng Da cũ) chính thức đóng cửa vì vắng khách thuê với lời thông báo "tái cấu trúc để nâng cấp, sửa chữa mới TTTM theo mô hình mới". Ngoài ra, 3 siêu thị điện máy tại Ba Đình, Hà Đông và Đống Đa phải đóng cửa.

trung tâm thương mại
Parkson tạm thời đóng cửa ở Hà Nội một phần là do kinh doanh thua lỗ. Ảnh: N.M.

Sau hai năm hoạt động, "thiên đường mua sắm của Hà Nội"- TTTM Grand Plaza (Trần Duy Hưng) cũng phải đóng cửa vì ế ẩm, chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ.

TTTM Mipec Mall cũng vừa tái cơ cấu lần 2 khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của TTTM Mipec Mall (Pico Mall trước đây).

Tuy chưa đến mức đóng cửa, nhưng sau gần 1 năm khai trương, Picomall cũng còn rất nhiều gian hàng trống. Từng được đánh giá là TTTM lớn, Picomall có diện tích lên đến 30.000 m2, lại nằm tại vị trí thuận lợi của Hà Nội, gần kề với Parkson Thái Hà, TTTM Picomall có nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm mua sắm, giải trí bậc nhất tại Hà Nội nhưng cũng không thể bứt phá được.

Mới đây nhất, TTTM Parkson Keangnam Land Mark Tower (Phạm Hùng, Từ Liêm) cũng đóng cửa tạm thời ngay những ngày đầu năm mới 2015. Hàng trăm hộ kinh doanh bất ngờ khi bị đẩy ra đường.

Trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội, ông Tiang Chee Sung- Tổng Giám đốc giải thích nguyên nhân đóng cửa là do, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.

"Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ TTTM Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức" báo cáo ghi rõ.

Không chỉ các TTTM đã đi vào hoạt động đóng cửa mà ngay cả những dự án chỉ mới trong giai đoạn "thai nghén" cũng đã bị chết yểu. Như, dự án Ciputra Hanoi Mall trong khuôn viên Dự án Ciputra Hanoi (quận Tây Hồ). Khởi công từ cuối năm 2010, sau khi hoàn thành phần hầm móng, Dự án đã bỏ hoang cho đến nay. Đây là khu TTTM có diện tích thiết kế lớn nhất Hà Nội (130.000 m2), do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư….

Kỳ vọng vào tiềm năng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, không ít đại gia cả trong và ngoài nước đổ xô xây dựng TTTM những mong nó sẽ trở thành "gà đẻ trứng vàng". Trứng vàng đâu chưa thấy, chỉ thấy tiền đổ vào "nuôi gà" đã "đè chết" không ít doanh nghiệp, không thì cũng nhúc nhắc qua ngày. Thị trường bán lẻ tại Việt Nam thực ra còn rất nhiều tiềm năng, nhưng các chủ đầu tư đã thất bại là do đầu tư quá ồ ạt và nhanh chóng mà không lường trước biến động của thị trường.

Hậu quả là không ít dự án mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội và Tp.HCM đã phải đóng cửa vì không có khách thuê và sự "ra đi" của các thương hiệu bán lẻ lớn quốc tế và trong nước tại các TTTM, vì kết quả kinh doanh không khả quan khi người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao". Kéo theo đó, công suất thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và Tp.HCM đều rất thấp.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam đã nhận định về các TTTM Việt Nam nói riêng và thị trường bán lẻ nói chung. Theo ông, hiện nay việc kinh doanh TTTM khá ảm đảm, thế nên nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả vừa phải, từ đó thay đổi mặt hàng  kinh doanh. Nhiều TTTM còn chọn đặt tại khu vực rìa trung tâm nên giá thuê cũng rẻ hơn, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người tiêu dùng. Có thể coi đây là chìa khóa để tồn tại vì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi trả cho mức giá rẻ hơn cho một sản phẩm và các TTTM cũng dần đi theo xu hướng này để thích nghi với tình hình kinh doanh hiện tại. Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cũng dự báo: "Năm 2015 các trung tâm bán lẻ hoạt động kém có thể sẽ phải đóng cửa".

Về hiện tượng Parkson rầm rộ báo chí mấy ngày gần đây, ông Marc Townsend cho rằng tập đoàn này đang có động thái tái cơ cấu các TTTM hoạt động kém hiệu quả. Khi mới bước vào thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ này đã đầu tư rất quy mô tại Việt Nam nhưng lại vấp phải một vấn đề cốt lõi, đó là khả năng chi trả của người tiêu dùng. Parkson hướng đến đối tượng cao cấp và khó khăn cũng bắt nguồn từ đây.

Khi được hỏi về thị trường bán lẻ Việt Nam có thừa cung hay không, ông James Hawkey, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, ở bất kỳ thị trường nào, việc cung cầu không tương thích là chuyện không quá bất thường. Không phải tất cả mọi TTTM đều vận hành tốt, tuy nhiên hiện tại quá sớm để nói rằng thị trường TTTM đang thừa cung.

Theo ông James Hawkey, nếu vài chục TTTM đang có tình trạng trên thì sẽ phải xem lại, nhưng nếu chỉ có một vài nơi thì không cần phải quá lo lắng, bởi các nhà đầu tư sẽ tự phải điều chỉnh để cải thiện tình hình, cần phải xem xét thật kỹ chiến lược kinh doanh của mình, liệu khu vực đó có cần phải có khối đế bán lẻ hay không? Nếu cần phải có thì quy mô như thế nào. Thói quen mua sắm và khả năng chi trả của dân cư quanh vùng liệu có phù hợp với mặt hàng sẽ kinh doanh hay không?

Ông James Hawkey phân tích: "Việt Nam là quốc gia có số lượng tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, cũng có nhiều nhà đầu tư vì quá nôn nóng nên có những tính toán, chiến lược chưa hiệu quả dẫn đến việc kinh doanh không tốt như mong muốn, cũng có thể do tại một khu vực mà có sự hiện diện của nhiều TTTM thì khách phải san sẻ đi là điều tất yếu".

  • 0
  • By Admin
  • 07/01/2015
  • 17