Trung bình mỗi tháng có 1 đô thị ra đời ở Việt Nam
Ngày 13/8 đã diễn ra buổi họp báo chuẩn bị cho Đại hội Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sắp tới. Tại buổi họp báo, ông Trần Ngọc Chính đã đưa ra thông tin, trung bình mỗi tháng lại có một đô thị ra đời ở Việt Nam.
Giải thích cho điều này, theo ông Chính, ở mỗi huyện có rất nhiều thị tứ, sau một quá trình phát triển, các thị tứ này được nâng cấp lên thành thị trấn, trực thuộc huyện, đây là đô thị loại 5. Ở mỗi huyện, có thể có nhiều thị trấn. Mặt khác, việc nâng cấp đô thị, cũng được tính vào con số này. Chẳng hạn, việc nâng cấp đô thị từ loại III lên loại II, đô thị loại II lên loại I…
Ông Chính cho biết Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất nước ta. Ở tỉnh này có tới 4 thành phố là: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái. Đây là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước.
Trung bình mỗi tháng tại Việt Nam lại có một đô thị ra đời |
Một thực tế khác đang tồn tại cũng được ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Việt Nam nêu ra: “Lâu nay ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, chính quyền chỉ căn cứ vào quy hoạch chung về không gian là đánh dấu chéo vào đó, giao đất cho chủ đầu tư theo kiểu vết dầu loang, quy hoạch đô thị đến đâu, giao đất đến đó. Nhà đầu tư nào vào cũng duyệt hết. Nhiều chủ đầu tư ôm đất, giữ đất để đó. Vì việc giao đất dễ dàng như vậy, nên nhiều chủ đầu tư được giao dự án mà không có năng lực thực hiện. Xảy ra tình trạng dự án "treo" là vì thế.”
Theo ông Chiến, để thực hiện quy hoạch chung ấy, phải được cụ thể bằng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Có nghĩa là khu vực, hay chỗ nào làm gì, xây dựng gì, phải được tính toán kỹ lưỡng. Khi chưa có những quy hoạch cụ thể đó, thì chính quyền đã giao đất một cách tràn lan.
“Với quy định mới, các dự án chỉ được lập khi đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Các dự án sẽ được thông tin công khai để các nhà đầu tư vào đấu thầu, tránh tình trạng chính quyền thấy “ông” nào thân quen là giao dự án, hạn chế dự án “ma”. Trong tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ vào làm việc tại Tp.HCM về việc thực hiện quy hoạch đô thị, giám sát thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định mới”, ông Chiến thông tin.
Mặt khác, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng ở nhiều nơi còn tùy tiện, có quy hoạch mới ra nhưng đã phải điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều nước quy hoạch của họ ổn định vài chục năm.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh này một phần để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhưng trong đó cũng có nhiều quy hoạch được điều chỉnh để phục vụ lợi ích của nhà đầu tư.
- 0
- By Admin
- 14/08/2014
- 17