• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Trung Quốc: "Vấn nạn" sân golf

Theo Reuters, trong vài tháng qua chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa một loạt sân golf lớn. Điển hình nhất là vụ phá sân golf 18 lỗ rộng 64ha ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 3. Từ đầu năm 2014, nhà chức trách cũng đã đóng cửa bốn sân golf lớn khác. Hai sân bị phá hủy hoàn toàn, sân thứ ba trở thành công viên sinh thái và sân thứ tư được chuyển đổi thành trang trại trồng trà. Chính quyền Bắc Kinh khẳng định đây là lời cảnh báo đối với những công ty cố tình vi phạm lệnh cấm xây sân golf.

Sân golf Mission Hills ở Thâm Quyến

Sau đó, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NUO) lên tiếng chỉ trích dữ dội Tập đoàn Thuốc lá và Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc vì tội xây sân golf trái phép. “Đây đương nhiên là một chiến dịch trấn áp” - Reuters dẫn lời giám đốc một tập đoàn xây dựng tại Trung Quốc nhận định. Tuy nhiên các công ty phát triển địa ốc tại nước này cho biết họ không hề lo ngại, bởi xây sân golf vẫn đang là ngành kinh doanh rất “nóng”.

Đừng gọi là sân golf

Chính quyền Bắc Kinh cấm xây sân golf từ năm 2004 để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai. Nhưng theo khảo sát của Công ty dịch vụ golf Forward Management Group ở Thâm Quyến, số lượng sân golf tại Trung Quốc đã tăng vọt từ 170 năm 2004 lên tới hơn 1.000 ở thời điểm này. Hôm 24-6, nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh đăng bài điều tra vụ 80km2 đất rừng của công viên quốc gia ở Quý Châu bị chuyển đổi thành sân golf.

Tại sao một ngành công nghiệp bị cấm đoán lại phát triển dữ dội đến thế? Người Trung Quốc có câu: “Trời thì cao, hoàng đế thì ở xa”. Nghĩa là các quy định do trung ương ban hành thường bị cấp địa phương phớt lờ. Trong cuốn sách The forbidden game: Golf and the Chinese dream (Trò chơi bị cấm đoán: Golf và giấc mơ Trung Quốc) mới xuất bản, nhà báo Mỹ Dan Washburn cho biết dù không có quyền cấp phép xây sân golf nhưng chính quyền các địa phương Trung Quốc đặc biệt ưa thích mô hình đầu tư này.

"Nguyên tắc đầu tiên để xây sân golf ở Trung Quốc là đừng nhắc gì đến chữ golf"

Chính quyền các địa phương cho rằng các dự án sân golf sẽ thu hút các khách hàng giàu có, đem lại nguồn thu thuế dồi dào. Đó là điều đương nhiên bởi golf là môn thể thao chỉ dành cho giới nhà giàu. Tại sân golf Mission Hills ở Thâm Quyến, phí thành viên cấp cao lên tới 322.100 USD/năm. Rất nhiều doanh nhân và người giàu Trung Quốc chơi golf để thể hiện địa vị xã hội và tài sản. Điều quan trọng nhất là địa phương sở hữu đất đai, khi bán đất cho các tập đoàn địa ốc thì quan chức địa phương sẽ đút túi những khoản tiền béo bở.

Nguyên tắc đầu tiên để xây sân golf ở Trung Quốc là đừng nhắc gì đến chữ golf. Các tập đoàn địa ốc và chính quyền địa phương thường dán nhãn các dự án sân golf bằng những mỹ từ như “khu nghỉ dưỡng”, “công viên thể thao”, “dự án phục hồi sinh thái”... để xin giấy phép từ chính quyền trung ương. Nhà báo Washburn dẫn lời một giám đốc địa ốc so sánh golf ở Trung Quốc với nạn mại dâm. “Mại dâm ở Trung Quốc cũng là bất hợp pháp nhưng gái mại dâm vẫn hoạt động ở bất cứ xó xỉnh nào tại đất nước này” - giám đốc này nói.

Biểu tượng của thực tế đáng buồn

Trong cuốn The forbidden game: Golf and the Chinese dream, nhà báo Washburn viết: “Sự trỗi dậy và phát triển của golf ở Trung Quốc là phong vũ biểu phản ánh những thay đổi và sự phát triển kinh tế của đất nước này. Nhưng nó cũng là biểu tượng phản ánh những thực tế ít hào nhoáng hơn của sự chuyển biến từ một quốc gia đang phát triển thành phát triển. Đó là nạn tham nhũng, suy thoái môi trường, tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng”.

Rất nhiều sân golf ở Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị gì về kinh tế. Phí thành viên dù cực cao nhưng không thể đủ bù cho hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD tiền đầu tư vào dự án sân golf. Giới chuyên gia cho biết nhiều tập đoàn địa ốc lấy sân golf làm công cụ tiếp thị để rao bán các biệt thự sang trọng xây quanh sân golf. Reuters dẫn lời giám đốc một công ty địa ốc giấu tên thừa nhận bán biệt thự cạnh sân golf là cách tốt nhất để kiếm lợi. Với mỗi sân golf, đối tượng kiếm lợi nhiều nhất là chính quyền địa phương và tập đoàn địa ốc. Kẻ bán được đất, người bán được nhà. Do đó, không hiếm trường hợp các doanh nghiệp đút lót quan chức địa phương để đảm bảo được cấp phép và mua đất nông nghiệp xây sân golf với mức giá rẻ mạt. Vụ xây sân golf trong công viên rừng Quý Châu bị báo Thanh Niên Bắc Kinh lột trần là một trường hợp như thế.

Thiệt thòi nhất là nông dân

Thiệt thòi nhất trong thương vụ xây sân golf chính là nông dân mất đất. Khi chính quyền địa phương và các tập đoàn địa ốc thu hồi đất đai để xây sân golf, người dân được nhận tiền đền bù nhưng với mức giá rất rẻ mạt, có nhiều khi chỉ bằng 1/10 mức giá thị trường. Họ biểu tình phản đối và những gì nhận được là hơi cay và án tù. Trong hơn 187.000 vụ biểu tình lớn ở Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh thừa nhận hồi năm 2010, có tới 2/3 liên quan đến đất đai.

  • 166
  • By Admin
  • 30/06/2014
  • 17