Trung Quốc: Mua nhà gần trường ĐH khi con còn... đeo bỉm
Để nâng cao khả năng du học nước ngoài cho con cái, ngày càng có nhiều người Trung Quốc săn tìm BĐS cao cấp gần trường đại học trên toàn thế giới. Một số bậc phụ huynh còn dùng chính tài sản này để đáp ứng yêu cầu lưu trú của các trường. Nhà cao cấp cũng giúp con cái họ không phải ở trong ký túc xá. Nhưng điều quan trọng nhất là nhiều người hy vọng BĐS sẽ hỗ trợ tiền học phí đại học đắt đỏ khi cần thiết.
Li Sheng và vợ của ông, Xu Tongtong, (Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc) đang tìm kiếm tại ngôi nhà ở Melbourne, nơi họ hy vọng hai đứa con, 8 tháng và 10 tuổi, một ngày nào đó sẽ đi học đại học |
Ông Li Sheng ở Cáp Nhĩ Tân đang tìm mua một ngôi nhà 4 phòng ngủ tại Australia để chuẩn bị cho tương lai của hai con trai, một đứa chưa học hết cấp hai, còn đứa nhỏ hơn vẫn ở tuổi mặc bỉm. Ông Li hy vọng sang năm sẽ mua được nhà ở Melbourne. Ông nhận thấy, mua nhà ở nước ngoài vừa có lợi cho danh mục đầu tư BĐS cá nhân, vừa tốt cho tương lai của các con. Ở Trung Quốc có nhiều trường ĐH nhưng ông và các bậc cha mẹ giàu có khác đều muốn con cái được trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, nơi có hệ thống giáo dục ít cứng nhắc hơn.
Ông Andrew Taylor, CEO của Juwai.com, cổng thông tin BĐS tạ Thượng Hải chuyên tìm kiếm nhà nước ngoài cho người Trung Quốc cho biết: “Các bậc cha mẹ có thể mua nhiều căn hộ, cho con cái học hành và để đầu tư kiếm lời.”
Môi giới bất động sản Kevin Brown gần đây đã bán một căn hộ 6,5 triệu USD trong tòa nhà One57 Manhattan, (hình) mà cô con gái 2 tuổi của một người mua Trung Quốc có thể sử dụng một ngày nào đó |
Cách đây vài tháng, Kevin Brown, một nhà môi giới BĐS tại New York đã bán được căn hộ hai phòng ngủ trị giá 6,5 triệu USD tại tòa nhà One 57 ở Manhattan cho một nữ khách hàng ở Hồng Kông. Người mua chỉ có một lý do duy nhất: cô con gái mới 2 tuổi sau này có thể dùng căn hộ nếu quyết định học ở ĐH New York hay ĐH Columbia. Hiện tại, bà chủ sẽ cho thuê lại căn hộ và nhận về 3% lợi nhuận đầu tư mỗi năm. Theo ông Brown: “Gia đình và hoạch định tài chính đều kết hợp thống nhất. Chúng ta thường lên kế hoạch 1 năm hoặc 3 năm, còn họ là 20 năm.”
Theo số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc, từ năm 1978 đã có hơn 2,6 triệu sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài. Con số này tăng gần 18% trong năm 2012 so với năm 2011. Trong khảo sát công bố năm ngoái của Viện Nghiên cứu Hurun (chuyên xếp hạng những người TQ giàu có), khoảng 80% cá nhân thu nhập cao tại Trung Quốc cho biết họ có dự định cho con cái đi du học. Cũng trong năm ngoái, giá BĐS tại các thành phố lớn như Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải tăng vọt, khiến căn hộ 1 triệu đôla tại Boston (Mỹ) thành món hời. Bà Patty Chen, người sáng lập ra PattyC Property Group, công ty hỗ trợ người mua Châu Á tìm nhà tại Mỹ cho biết: “Ở Boston, bạn có thể mua nhà với giá 400 USD/ foot vuông (khoảng 4.320 USD/m2) chứ giá nhà ở Bắc Kinh thì đắt hơn thế, tận 600 USD/ foot vuông (6.480 USD/m2).”
Các công ty xây dựng cũng nắm bắt thị hiếu trên. Tháng 5 sắp tới, ông Dean Jones, chủ tịch International Realty thuộc Realogics Sotheby ở Seattle sẽ dự triển lãm BĐS cao cấp tại Bắc Kinh để tiếp thị các dự án nhà sinh viên như 1321 Seneca, tháp chung cư 24 tầng tại khu First Hill, Seatle, gần trung tâm thành phố. Ông Jones sẽ gặp một gia đình từ Tứ Xuyên để bàn thảo hợp đồng căn nhà 8 triệu đôla, 5 phòng ngủ, 8 phòng tắm, 1 bể bơi trong nhà, tổng diện tích là 1.338m2. Cặp vợ chồng khách hàng này đều tốt nghiệp ĐH Washington vừa mới sinh con. Ngôi nhà là món quà của ông nội, người mong muốn cả giá đình sẽ định cư ở Seattle.
Tại trung tâm thành phố Boston, nhà thầu của Millennium Tower (Tháp Thiên niên kỷ), tòa nhà 60 tầng gồm 442 căn hộ, dự kiến sẽ tiếp cận thị trường Châu Á vào mùa thu năm nay. Đây là ý tưởng nối tiếp thành công của Millennium Palace, tòa nhà cao cấp ở Boston đã bán được 25 căn hộ cho người TQ – phần lớn mua để dành cho con sau này.
Thiên niên kỷ Place, một tòa nhà sang trọng ở Boston, bán được 25 căn hộ cho người mua Trung Quốc, nhiều người đã mua đơn vị sử dụng trong tương lai của con em họ, theo đại lý bất động sản ở Bắc Kinh, Leanne So |
Tất nhiên, sẽ có trường hợp những đứa trẻ TQ sau này không học ở ngôi trường gần nhà cha mẹ chúng đã mua, hoặc giấy phép cư trú hay visa không được thông qua. Tuy nhiên, nhiều người mua vẫn xem đây là khoản đầu tư dài hạn có thể tạo ra thu nhập. “Ngay cả khi con cái họ không dùng đến nhà thì có thể cho thuê hoặc bán lại”, theo lời ông William Montero, đại lý của International Realty tại Boston.
Thật vậy, chính ông Montero đã bán được một căn hộ 2 phòng ngủ trị giá 2,6 triệu đôla cho một nữ khách hàng có hai con theo học tại Boston – một ở ĐH Suffolk và đứa kia ở ĐH Boston. Bốn tháng sau, người khách cho rằng ngôi nhà quá xa trường Suffolk nên quyết định bán với giá 2,9 triệu đôla và mua căn hộ 3 phòng 2,4 triệu đô tại khu Back Bay. Sau đó, cô lại mua thêm 3 căn nhà nữa: một ngôi nhà cho gia đình 9,5 triệu đôla mà hiện tại cho thuê lại 30.000 đôla/ tháng, một căn 4,5 triệu đôla cho thuê 25.000 đôla/ tháng và một căn nữa cùng tầng với căn mua cho hai con trị giá 2,8 triệu đôla. Theo Montero, “tất cả chỉ từ việc mua nhà cho con ở để học hành” đã mang lại cơ hội cho chính nhà môi giới cũng như cho bản thân nhà đầu tư.
Nhung T (Lược dịch)
- 163
- By Admin
- 14/04/2014
- 17