Trung Quốc: Khởi phát tín hiệu "cởi trói" cho thị trường BĐS?
Kevin Xi không gặp khó khăn gì khi nhận được khoản vay thế chấp giúp anh mua căn hộ một phòng ngủ trị giá 1,53 triệu nhân dân tệ (tương đương 242.563 USD) tháng trước. Anh nhận được chiết khấu 10% trên số tiền lãi. Khoản vay thế chấp trị giá 960.000 nhân dân tệ được thông qua chỉ trong 5 ngày.Ảnh minh họa |
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kìm hãm đà tăng giá trong khi tránh cho thị trường không đổ vỡ bằng cách giảm lãi suất đi vay cho những người mua nhà lần đầu tiên nhằm khuyến khích họ mua nhà. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng kiểm soát chặt chẽ giới đầu cơ, những người khiến giá nhà tăng 140% kể từ năm 1998. Doanh số bán nhà sụt giảm 18% trong quý I đã góp phần khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 3 năm.
Jack Gong, chuyên gia bất động sản tại Hồng Kông cho biết bất động sản là lĩnh vực quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Chính phủ sẽ không thể trừng phạt thị trường này ngay cả khi không có chủ trương ủng hộ bất động sản. Sự điều chỉnh trong các chính sách về thế chấp cho thấy rõ ràng là chính phủ có mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cơ bản đối với vay thế chấp ở Trung Quốc là lãi suất cho vay thời hạn 5 năm được Ngân hàng Nhân dân qui định hiện đang ở mức 7,05%. Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc có chính sách giảm 10% trên số tiền lãi cho khách hàng. Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ hơn như China Merchants Bank Co. và Bank of Beijing Co. hiện đang áp dụng lãi suất cơ bản.
Các ngân hàng ở Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chính sách này từ tháng 2, trong khi đó lãi suất của 6 tháng cuối năm 2011 cao hơn lãi suất hiện nay từ 5% đến 10%. Người mua nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải có thể được chiết khấu đến 15%.
Theo CLSA Asia-Pacific Markets, một bộ phận của Credit Agricole SA, đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể sẽ dần dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thị trường bất động sản trong quý II.
Theo Centaline Property Agency Ltd., công ty môi giới bất động sản lớn nhất Trung Quốc, khoảng 50% đến 70% người mua nhà ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc gồm Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu sử dụng các khoản vay thế chấp để mua nhà. Các khoản vay có mức lãi suất diễn biến theo lãi suất cơ bản và thường có thời hạn từ 5 đến 30 năm, tùy thuộc vào khả năng chi trả của người vay.
Người mua nhà ở các thành phố nhỏ hơn (hạng 2 và hạng 3) như Ôn Châu và Chiết Giang thường có xu hướng trả bằng tiền mặt. Liu Yuan, chuyên gia nghiên cứu tại Thượng Hải cho biết càng ở những thành phố nhỏ, người mua càng có xu hướng trả bằng tiền mặt. Lãi suất không thực sự ảnh hưởng đến các quyết định mua nhà, người mua quan tâm nhiều đến mức chiết khấu hơn là chi phí thấp khi đi vay.
Tính đến hết ngày 31/3, số nhà mới chưa bán được ở 10 thành phố bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải được theo dõi bởi Bacic & 5i5j tăng 46% so với một năm trước, lên con số 594.500 căn - cho thấy rất có thể các chính quyền địa phương sẽ điều chỉnh chính sách để có thể giảm lượng nhà tồn. Chính phủ cũng đã giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng kể từ tháng 11 năm ngoái nhằm đẩy mạnh thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng các khoản vay.
Tuy nhiên, theo Chen Li, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Trung Quốc của UBS, ảnh hưởng của việc giảm lãi suất cho các khoản vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu vẫn còn hạn chế do người mua vẫn chờ đợi giá sẽ giảm hơn nữa bởi chính phủ đã quyết tâm giảm giá nhà. Tháng 3 là tháng thứ 7 liên tiếp giá nhà đi xuống. Cũng theo ông Chen, giảm giá trực tiếp sẽ có hiệu quả hơn là giảm lãi suất cho vay thế chấp.
(Theo TTVN/Bloomberg)
- 156
- By Admin
- 27/04/2012
- 17