Trung Quốc: Bùng phát cơn sốt bất động sản
Một công trình xây dựng dở dang ở Hợp Phì. Ảnh: Reuters
Dù cách hai thị trường bất động sản lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải hàng trăm km, một cơn sốt bất động sản đang bao trùm Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy nghèo khổ ở miền trung Trung Quốc.
Những mảnh đất nông nghiệp trước đây trở thành nơi toạ lạc của những dãy chung cư được xây dựng dở dang. Theo cách nói cường điệu của các nhà quan sát, cần cẩu xây dựng còn nhiều hơn cả cây cối trong thành phố có 5 triệu dân và đầy bụi bặm này.
Đầu cơ tràn lan, giá nhà tăng vọt
Thậm chí cả giới tài xế taxi cũng khoe họ sở hữu nhiều căn hộ nhằm đầu cơ kiếm lời. Đám đông cuồng nhiệt mang từng bao tiền đi mua nhà mà không biết rằng những căn nhà họ nhắm đến đã có người mua trước.
Tất cả những động thái này đã đẩy giá nhà ở Hợp Phì tăng trung bình 50% trong năm ngoái. Trước đây, cơn sốt nhà đất ở Trung Quốc chỉ giới hạn ở một nhóm nhỏ thành phố lớn, nay đã lan vào cả những vùng đất cảng hay những thành phố thuộc loại xoàng.
Cao Jianhai, giáo sư kinh tế học thuộc học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, một cơ quan tư vấn của chính phủ, cho biết giá nhà ở các thành phố cấp 2 và 3 đã tăng cao hơn giá ở các thành phố cấp 1. Ông Cao nói: “Đó là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đẩy nhiều ngân hàng vào tình thế rủi ro khi cho vay”.
Do đất ngày càng khó kiếm ở các thành phố được ưa chuộng, giới đầu tư bất động sản đang chuyển sang những nơi ít nổi tiếng hơn tại Trung Quốc. Trong khi đó, các quan chức địa phương nhanh chóng cấp phép cho các hoạt động kinh doanh nhà đất vì họ muốn tăng cường các khoản thu từ thị trường bất động sản để đạt chỉ tiêu tăng trưởng do chính quyền trung ương đặt ra.
Hiện nay tại Hợp Phì, những đồng cỏ ở vùng nông thôn đã bị “nuốt chửng”, nhiều khu vực ở trung tâm thành phố bị phá bỏ, và hàng ngàn người dân phải di dời để nhường chỗ cho các dự án xây dựng khu dân cư mới.
Huang Qingyuan, một đại lý kinh doanh những tòa nhà đắt giá nhất ở Hợp Phì, nói: “Không ai tưởng tượng rằng thị trường bất động sản lại nóng đến mức này. Giá một căn hộ hiện đã lên đến 120.000 USD”.
Dù đắt tiền theo tiêu chuẩn địa phương, giá đó vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá nhà ở thủ đô Bắc Kinh. Đó là lý do khiến người mua từ nhiều nơi khác đang đổ xô về đây mua nhà nhằm tạo ra một “quỹ dự phòng” chống lạm phát cho mình trong một đất nước mà họ có quá ít sự lựa chọn để đầu tư. Trong quý 1 vừa qua, số căn hộ được bán ở Hợp Phì nhiều hơn so với ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, những thành phố lớn gấp 4 lần Hợp Phì.
Khó kiềm chế thị trường
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp để “hạ nhiệt” thị trường. Mới đây, các nhà lập pháp đưa ra các điều kiện về tiền trả trước áp dụng cho việc mua căn hộ thứ hai và cho phép các ngân hàng hạn chế cho vay đối với các nhà đầu cơ bất động sản. Các quy định về thu hồi vốn và thuế bất động sản hàng tháng cũng đang được xem xét.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, dường như không thể làm giảm sự tăng trưởng dữ dội của thị trường bất động sản ở những thành phố như Hợp Phì, vì các quan chức đang đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ để đẩy mạnh đô thị hóa.
Với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, khoảng 15% dân số Hợp Phì được cho là sẽ trở thành công nhân xây dựng. Nhiều con đường bị xuống cấp và đầy ổ gà do xe tải chở nguyên vật liệu gây ra. Các công trình xây dựng thường lấn vào lộ giới các con đường đông đúc, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Nhiều người dân Hợp Phì “ghiền” tin tức bất động sản không kém gì người Anh. Guo Hongbing, một nhà tư vấn tiếp thị cho nhiều công ty bất động sản, nhận xét: “Hầu như mọi người ở Hợp Phì đều sống bằng nghề bất động sản. Bạn không thể nào thoát ra khỏi xu hướng đó được”.
Trong khi đó, nhiều người dân nghèo ở Hợp Phì lo lắng trước những công trình xây dựng đang diễn ra. Ở gần trung tâm thành phố, gia đình bà Dai Fangping sống trong ngôi nhà mà các căn hộ gần đó đã bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho việc mở rộng một con đường. Bà cho biết niềm hy vọng duy nhất của bà là được bồi thường thỏa đáng để bà có thể an tâm thuê nhà ở, vì với hoàn cảnh của bà, việc mua bất động sản trong “cơn sốt” giá như hiện nay là điều không thể. Bà lo lắng: “Chúng tôi thực sự không biết sẽ đi đâu nữa. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy một áp lực tài chính nặng nề như hiện nay”.
Theo SGTT
- 203
- By Admin
- 03/05/2010
- 17