• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Trục Thăng Long nên hay không?

Trục thăng long trong quy hoạch chung Hà Nội

Trục Thăng Long- trục tâm linh?

PGS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “ Nếu là trục tâm linh- văn hoá thì tại sao không nối Hà Nội trung tâm với các cố đô Văn Lang, Hoa Lư, Cổ Loa hoặc các kinh đô cổ ở phía Tây Hà Nội như Cự Lạc, Sài Sơn, Trấn Sơn Đồng, Phong Châu…, mà lại nối với Ba Vì?”.

Trục Thăng Long nếu được xây dựng sẽ hợp với đường vành đai 4 tạo thành một “cung tên”, “bắn” vào khu Hoà Lạc, nơi tư vấn dự kiến bố trí trung tâm hành chính quốc gia.

Theo luật phong thuỷ, những đại lộ thẳng, những xa lộ sẽ thúc đẩy luồng khí quá nhanh chóng dẫn đến nguy hiểm. Điều này được biết đến như luồng khí dạng mũi tên hoặc luồng khí tiêu diệt. Đây lại là điều cấm kị đối với luật phong thuỷ.

Cũng theo ông Hanh, trong chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, vua Lý Công Uẩn cũng chỉ rõ mục đích là “đóng ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tình thế lâu dài cho con cháu đời sau”. Chính vì vậy, theo đó ta thấy được khu vực gần Hồ Tây là nơi linh thiêng nhất của Thủ đô và cả nước.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng: “ Việc xây dựng trục giao thông hiện đại này, chỉ xét về cảnh quan đô thị đã làm mất đi hay ít nhất cũng xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên và không gian thiêng liêng của hai tụ điểm này”. Vậy nên khó có thể coi trục Thăng Long là Trục Tâm Linh kết nối văn hoá xứ Đoài với văn hoá Thăng Long.

Trục Thăng Long- trục giao thông?

Theo sơ đồ, trục Thăng Long kéo dài đường Hoàng Quốc Việt với chân núi Ba Vì. Trên trục này sẽ có các công trình bảo tàng thư viện, nhà hát, đài độc lập và các biểu tượng văn hoá khác. Dự kiến đây sẽ là con đường có nhiều nét độc đáo mà chỉ Thủ đô Hà Nội mới có và sẽ được thi công vào năm 2011.

Nhưng trên thực tế tình khả thi của công trình là bao nhiêu phần trăm khi mà tổng vốn đầu tư là 60 tỉ USD cho hạ tầng? Nguồn lực dự tính được lấy từ các doanh nghiệp làm đường sau đó đổi cho các khu đất, các dự án và làm theo quy hoạch, trong khi còn nhiều quy hoạch chưa hợp lý.

Ban đầu quy hoạch được xây dựng trên chỉ tiêu cộng đồng, môi trường xung quanh, nhưng khi thực hiện lại với mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp. Sự can thiệp của doanh nghiệp vào các quy hoạch cụ thể thấy rất rõ từ vụ việc đường 19/12 hay như vụ việc xây dựng khách sạn trong công viên Thống Nhất.

Trong buổi triển lãm giới thiệu quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ xây dựng phối hợp với UBND Tp Hà Nội, dễ thấy trục Thăng Long so với đường 32 hay đường Láng- Hoà Lạc có những đoạn chỉ các nhau chưa đầy 3 km.

Phần lớn người dân cho rằng việc xây dựng trục Thăng Long là quá tốn kém và không cần thiết. Thay vì thực hiện những dự án quá tốn kém và phi hiện thực như vậy, hãy chú trọng đầu tư phát triển các dự án thiết thực hơn, gần gũi hơn đối với đời sống người dân. Trước mắt là cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường, xây dựng thêm nhiều bệnh viện, trường học, tu sửa lại chính các con đường thủ đô, đầu tư vào an ninh, an toàn trật tự.

Và với dự tính từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần 34.000 ha đất sạch để phát triển và 160 tỷ USD để đầu tư cho hàng trăm dự án, hạng mục công trình để xây dựng một thành phố quy mô lớn gấp 3- 4 lần hiện tại đã thành một nhiệm vụ nặng nề và rất khó thực hiện.

Một số đại biểu HĐND Hà Nội cũng cho rằng trục Thăng Long nhắm vào mục tiêu “vô lý”. Đại biểu Vũ Đức Tân đã thẳng thắn nói về mô hình trục Thăng Long: “Tôi không hiểu trục giao thông này nhằm mục đích làm gì trong khoảng không gian giữa Hồ Tây và hồ Đồng Mô. Cả trục đường chủ trương chỉ để nối khu thành cổ với trung tâm hành chính đi lên chân núi Ba Vì?”.

Một số đại biểu khác còn đưa ra những nhận xét đi ngược lại với ý nghĩa và mục đích của trục Thăng Long. Rằng trục Thăng Long thậm chí còn tạo nên khó khăn về việc di dân, giải phóng mặt bằng để khai thác quỹ đất hai bên bờ sông.

Cũng theo Đại biểu Vũ Đức Tân: “tập trung xây dựng thành phố bên sông Hồng để tăng thêm gánh nặng dân cư cho khu vực sông không hợp lý. Bờ Bắc thành phố đang phát triển một cách mờ nhạt trong khi đây cũng là khu vực tập trung dân đông. Hướng đi đúng là chỉ đầu tư để làm đẹp thêm cho cảnh quan dòng nước”.

Còn đại biểu Ngô Văn Ny thì hướng tới khía cạnh thời sự của vấn đề, ông lo ngại với những biểu hiện bất thường của thời tiết trong thời gian qua thì khó lòng lường trước được các hệ quả của nó. Liên tiếp 2- 3 năm nay, sông Hồng hạn hán, lập các kỉ lục cạn nước, nguy cơ thiếu điện tăng cao. “Đồ án đã đặt ra bài toán khoảng 40 năm nữa, liệu tình trạng khô hạn còn căng thẳng hơn?”- ông Ny đặt câu hỏi thêm.

Thay vì xây dựng đô thị, nhà hàng, khách sạn, cao ốc bên sông, các đại biểu cho rằng nên tính phương án xây đập ngăn sông Hồng ở hạ lưu để vừa giữ được nước dòng sông cho cảnh quan thành phố vừa đảm bảo sinh hoạt, sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nói: “Để làm được tốt trục tuyến này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ các cấp chính quyền thành phố, của các nhà đầu tư, cũng như sự ủng hộ của nhân dân Hà Nội”.

Vậy nếu nhân dân Hà Nội chưa đồng tình thì việc thực hiện dự án còn khó. Chưa kể nhiều ý kiến chưa đồng thuận từ các cấp chính quyền. Dự án tốn quá nhiều công sức, kinh phí, nếu triển khai không nổi, Hà Nội có thể đối mặt với một đại quy hoạch treo lớn nhất từ trước đến nay.
 

Theo NB&CL
  • 0
  • By Admin
  • 12/05/2010
  • 17