Trụ sở cũ của các bộ: Nếu có giá trị thì phải giữ
Trụ sở của các cơ quan này chủ yếu nằm ở phía tây Hà Nội, cách trung tâm TP chừng 10 km. Ở đó có đủ điều kiện về hạ tầng và quỹ đất bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là trụ sở cũ của các bộ (thường nằm ở những khu đắc địa trong trung tâm TP với diện tích hàng chục ngàn mét vuông) sẽ được sử dụng như thế nào? Bởi những khu vực này nếu đem bán sẽ thu được số tiền lớn nhưng một phần không gian, kiến trúc đẹp của Hà Nội sẽ bị mất đi.Bên mua phải tuân thủ quy hoạch
Bộ Xây dựng vừa đề nghị Thủ tướng cho phép bán đấu giá trụ sở của Bộ (37 Lê Đại Hành, có hai mặt giáp đường lớn với diện tích trên 13.000 m2) để lấy tiền xây trụ sở mới, dự kiến tại khu vực tây Hồ Tây. Về việc này, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường cho biết hiện vẫn chưa có con số cụ thể trụ sở cơ quan bộ nào khi di chuyển sẽ được đưa ra bán. Tuy nhiên, chủ trương cho bán công sở chật chội, không đáp ứng nhu cầu sử dụng là rất tốt. Điều quan trọng là bên mua lại trụ sở sẽ phải sử dụng khu đất theo đúng quy hoạch. Khi bán, bao giờ cơ quan chức năng cũng yêu cầu rõ bên mua được làm gì ở đó chứ không phải muốn làm gì thì làm.Trụ sở Bộ Ngoại giao sẽ được dùng làm trụ sở của Văn phòng Quốc hội. Ảnh: HOÀNG VÂN |
“Với những nơi đất công sở hẹp, không đáp ứng được chức năng nhưng nếu dùng vào mục đích thương mại sẽ tốt hơn thì nên chuyển mục đích sao cho có lợi nhất cho xã hội. Cụ thể, trụ sở Bộ Xây dựng chật, không phù hợp nhu cầu sử dụng của bộ này nữa. Nếu khu đất đó được dùng để xây một trung tâm thương mại thì có thể hợp lý hơn. Số tiền bán đất sẽ được dùng để xây một trụ sở khác cho bộ này lớn hơn nhiều hiện nay. Như vậy, Nhà nước không mất thêm tiền xây trụ sở mới, TP lại có trung tâm thương mại tốt, mọi mục tiêu đều đạt được” - ông Cường lý giải.
Nếu có giá trị thì phải giữ
Tuy nhiên, một cán bộ ở Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định, nếu tổ chức nhà nước không có nhu cầu sử dụng nữa thì khu đất đó có thể được thu hồi để làm nhà văn hóa, trường học, vườn hoa, bãi đỗ xe… phù hợp quy hoạch. Vậy với những trụ sở có giá trị về kiến trúc, cảnh quan thì chúng ta nên “ứng xử” như thế nào? Theo cán bộ này, những nơi đó cần được bảo tồn; nếu có hư hỏng thì cải tạo, sửa chữa và tiếp tục sử dụng theo công năng của nó. “Những khu vực này đem bán sẽ thu được một số tiền lớn nhưng không gian, kiến trúc đẹp của TP sẽ bị mất đi mà không có tiền nào mua nổi” - vị cán bộ này nói.Với việc đưa ra bán đấu giá nhà khách Chính phủ tại 1 Lý Thái Tổ (quận 10, Tp.HCM), vị cán bộ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tỏ rõ sự phản đối: “Đó là khu vực rất có giá trị về cảnh quan, một mảng xanh còn lại không nhiều của Tp.HCM. Khu vực này cần phải được bảo tồn, sử dụng theo công năng như trong thời gian qua, không nên bán”.
Được biết, Bộ Xây dựng vừa có ý kiến về việc giữ lại một số trụ sở cũ của các bộ, ngành. Cụ thể, trụ sở của Bộ Ngoại giao hiện nay (nằm gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) là công trình được xây từ thời Pháp, có giá trị về cảnh quan, kiến trúc và nằm trong khu chính trị Ba Đình. Vì vậy, theo quy hoạch, nơi này sẽ được chuyển giao cho Văn phòng Quốc hội làm trụ sở. Cùng đó, trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2 Ngọc Hà) sẽ được chuyển đổi thành công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa.
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 21/05/2011
- 17