Trình Quốc hội quy hoạch Hà Nội 'trùm' Hà Tây
Ông Ngô Trung Hải, Viện phó Viện quy hoạch Đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng (cơ quan soạn thảo quy hoạch Vùng thủ đô): Hà Nội phát triển về phía Tây là phù hợp.
Diện tích Hà Nội khoảng 900 km2, TP HCM là hơn 2.000 km2, trong khi các dự án mang tầm cỡ quốc gia đều nằm ở Hà Nội nên thủ đô cần phải mở rộng. Trước đây, Hà Nội từng mở rộng về phía bắc, nhưng không quản lý được nên phải trả lại. Hơn nữa, theo Thủ tướng đây là thời điểm phù hợp để thu hút đầu tư nên phải mở rộng về phía tây.
Hà Nội chủ yếu do người Pháp xây dựng từ vài trăm năm trước đây nên thiết kế đô thị chỉ loanh quanh vài khu vực và tuyến đường cũ, không thể phát triển mạnh, dẫn đến sự dồn nén về giao thông, ách tắc nhiều. Việc phát triển mới này sẽ là giải pháp để tháo gỡ.
Tuy nhiên, chủ trương sáp nhập vẫn đứng trước nhiều thách thức như chưa có đội ngũ quản lý đủ tốt để làm một dự án khổng lồ như vậy. Ngoài ra, phải quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với nhiều cơ quan liên quan xin ý kiến nhân dân, HĐND các cấp, triển khai quy hoạch chi tiết, cụ thể những nơi nào sẽ được xây dựng, nơi đâu là cơ quan hành chính, tài chính, văn hóa giáo dục, có những hình ảnh mà mọi người dễ hình dung. Từ nay đến tháng 6/2008, công tác này sẽ phải hoàn thiện để trình Quốc hội.
Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (tỉnh Hà Tây). Ảnh: Hoàng Hà |
GS. Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị VN: Đề xuất sáp nhập các tỉnh vào Hà Nội chưa đủ cơ sở khoa học.
Trước đây, nhiều hội thảo về quy hoạch vùng thủ đô đều không đề cập đến việc nhập, tách tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc về Hà Nội. Tôi thấy đây là việc lớn, liên quan tới nhiều người dân nên cần trưng cầu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia về quy hoạch.
Nếu chỉ đưa ra lý do Hà Nội nhỏ, chưa xứng tầm thủ đô thì chưa đủ căn cứ khoa học. Hà Đông nằm bên cạnh Hà Nội nhiều năm vẫn lớn mạnh. Bắc Ninh được tách ra từ Hà Bắc đã phát triển mạnh hơn trước đây. Ngay ở Hà Nội còn có bất cập về địa giới hành chính như 2 bên tuyến phố do 2 phường khác nhau quản lý, do vậy, việc đơn giản là biến đổi địa giới theo đúng quy hoạch để dễ quản lý.
Nếu nói sáp nhập để các Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ĐH quốc gia phát triển cũng chưa hợp lý, bởi Khu công nghệ cao chưa phát triển đúng tiềm năng của nó là do gần như bị cô lập, không có quan hệ với bên ngoài.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: Tách tỉnh sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của vùng.
Trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia, kinh tế phát triển tập trung tại khu vực nào có lợi thế, nước ta tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Đứng trước xu thế đó, chúng ta phải tổ chức lại hạ tầng, đất đai cho hợp lý. Để tổ chức, trên thế giới có 2 xu hướng là mở rộng địa giới và giữ nguyên địa giới song tổ chức cộng đồng các đô thị lân cận để phối hợp với nhau.
Mở rộng địa giới sẽ thuận lợi trong hành chính, song bất tiện là khi tách một vùng thì làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh đó. Ví dụ, nếu lấy phần công nghiệp ở huyện Mê Linh thì làm ảnh hưởng cả tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, thủ đô sẽ phải gánh nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, quản lý dân cư phức tạp hơn, chi phí hành chính tăng...
Việc sáp nhập tạo thuận lợi nhất là về xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, không chỉ phát triển trong phạm vi sáp nhập mà còn phải ra ngoài địa giới đó nên cần có chính sách để các tỉnh lân cận phát triển, tạo thành vùng kinh tế.
Chính phủ nên thăm dò ý kiến người dân, ít nhất là thông qua HĐND các tỉnh có liên quan. Ngoài ra, có thể điều tra xã hội học để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch, kinh tế...
Ông Lê Đình Tri, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng: Thủ đô có dân số 8 đến 12 triệu dân là tương ứng.
Quy mô dân số cả nước từ 100 triệu đến 120 triệu dân trong tương lai gần, thì một thủ đô có dân số 8 đến 12 triệu dân là tương ứng (hiện Hà Nội có 3,5 triệu dân). Trong khi đó, thủ đô Hà Nội đang gặp khó khăn về lao động, đất đai nên cần mở rộng để phát triển phù hợp. Diện tích đất của Hà Nội hiện nay là 920 ha, nếu được mở rộng gấp 3 lần cũng đã nằm trong chiến lược phát triển thủ đô.
Nhiều ý kiến cho rằng, những khu vực phía bắc của Hà Nội như huyện Sóc Sơn hiện chưa được tận dụng tiềm năng. Thực tế, Sóc Sơn không đủ đất xây dựng một sân bay quốc tế lớn công suất 30 triệu hành khách, nên định hướng sẽ phải di chuyển sân bay tới nơi khác.
Việc sáp nhập tỉnh, thành là quyết sách ở tầm vĩ mô, theo tôi, không cần đưa ra lấy ý kiến người dân.
Theo VnExpress
- 360
- By Admin
- 08/03/2008
- 17