Trích đo địa chính khi làm GCN: Ai phải thực hiện?
Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 3. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Quy định một đằng, làm một nẻo!
Theo quy định hiện hành, thành phần hồ sơ xin cấp GCN (cấp lần đầu) phải có bản trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính). Theo Nghị định 88 của Chính phủ về cấp GCN (ban hành năm 2009), việc trích đo địa chính là thuộc trách nhiệm của Văn phòng ĐKQSDĐ (quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16). Tuy nhiên trong thực tế, việc đo vẽ sơ đồ thửa đất đều do người dân tự thuê các công ty đo đạc thực hiện và các Văn phòng ĐKQSDĐ quận, huyện chỉ thụ lý hồ sơ xin cấp GCN khi người xin cấp có đủ các thủ tục quy định. Vậy có phải các Văn phòng ĐKQSDĐ đã làm sai luật không?
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy đây chính là một điểm bất cập trong công tác lập pháp: Các văn bản pháp luật quy định tréo nhau, quy định ra đời sau “quên” đối chiếu với quy định có liên quan đã ban hành trước đó và vẫn đang có hiệu lực. Điều này khiến cho khi luật đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng bị lúng túng trong thực thi nhiệm vụ và dẫn đến làm có phần không hoàn toàn đúng quy định.
Cơ quan nhà nước phải... “lách luật”
Như trên đã nói, Nghị định 88 quy định Văn phòng ĐKQSDĐ cấp quận, huyện có trách nhiệm trích đo địa chính. Thế nhưng, có thể nói Nghị định 88 đã giao một việc mà các Văn phòng ĐKQSDĐ quận, huyện không thể làm được. Bởi lẽ, hoạt động đo đạc bắt buộc phải được cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ cấp giấy phép, và có thể nói tất cả các Văn phòng ĐKQSDĐ quận, huyện trên địa bàn TPHCM đều không có giấy phép này. Nghị định 12 của Chính phủ (ban hành năm 2002) về hoạt động đo đạc và bản đồ quy định rõ tại Điều 5: Tổ chức kinh tế, cá nhân khi tiến hành hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Và để được cấp giấy phép hoạt động thì tổ chức kinh tế, cá nhân đó phải có đủ điều kiện chuyên môn, kỹ thuật về đo đạc và bản đồ.
Trong khi đó, Văn phòng ĐKQSDĐ lại là đơn vị sự nghiệp công lập (chứ không phải là tổ chức kinh tế) và không có cả nhân lực chuyên môn lẫn thiết bị kỹ thuật để có thể được cấp giấy phép hoạt động đo đạc! Để tháo gỡ nút thắt này, Liên bộ Tài nguyên – Môi trường, Nội vụ và Tài chính đã ban hành Thông tư 05 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2010), mở ra một “cánh cửa” cho Văn phòng ĐKQSDĐ quận, huyện. Theo đó, các đơn vị này có thêm nhiệm vụ “kiểm tra chất lượng tài liệu trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất cung cấp trước khi sử dụng, quản lý”. Với quy định này, việc các văn phòng ĐKQSDĐ yêu cầu người dân thuê các công ty đo đạc thực hiện khâu trích đo địa chính là không sai, tuy nhiên nếu so với quy định của Nghị định 88 thì có phần chưa ổn, bởi vì thông tư không thể cao hơn nghị định được.
(Theo SGGP)
- 128
- By Admin
- 25/12/2010
- 17