Trật tự xây dựng của Thủ đô Hà Nội mới: Tăng trách nhiệm cấp phường
Tuy nhiên, PGĐ Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ cho biết, không phải tất cả các phường, xã “Hà Nội mới” đều được thành lập lực lượng này.Vẫn còn những “vùng cấm”
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 12/9, trong tổng số 361 cuộc thanh tra chuyên ngành tại địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, phát hiện tới 173 trường hợp vi phạm.
Thanh tra chuyên ngành đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ 134 trường hợp, cảnh cáo 20 trường hợp và phạt tiền với 46 trường hợp vi phạm về xây dựng. Hiện vẫn còn tồn tại một số điểm nóng phức tạp.
Còn tại nội đô Hà Nội (cũ), liên quan đến việc xử lý các công trình lớn vi phạm trật tự xây dựng, kéo dài nhiều năm, như công trình số 4 Đặng Dung, số 9 Đào Duy Anh, Vườn thú Hà Nội, 231 Nguyễn Chí Thanh...
PGĐ Sở Xây dựng, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết: “Đến nay đã cơ bản giải quyết xong các vụ việc nổi cộm trên nhưng việc xử lý vẫn chưa được triệt để. Vì những trường hợp xây quá tầng thì xử lý đơn giản là chỉ cần cắt ngọn. Nhưng các công trình vi phạm xây dựng vượt phép chiều dọc thì phải cắt dọc, như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết cấu”.
Bên cạnh đó, việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất công hiện nay, theo ông Nguyễn Khắc Thọ là vẫn còn những “vùng cấm”.
“Những công trình nằm trong khu vực sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai, đến chúng tôi cũng không vào được. Đối với khu vực bất khả xâm phạm đó thì chúng tôi cũng bất lực”- ông Thọ nói.
Một trong những vi phạm về xây dựng trên đất công điển hình là khu vực hồ ở Cầu Chui, quận Long Biên. Trước đây, TP đã ký văn bản bảo vệ, chống lấn chiếm để làm hồ sinh thái nhưng nay hồ sinh thái chẳng thấy đâu, mà đã bị san lấp và biến thành cửa hàng ô tô lớn.
Giải pháp để tháo gỡ vướng mắc từ những “vùng cấm” này, ông Thọ cho hay, sắp tới Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng sẽ bàn cụ thể các biện pháp để kiểm soát trật tự xây dựng.
Chính quyền phường phải chịu trách nhiệm
Giám đốc Sở Xây dựng, ông Đỗ Xuân Anh cho biết, hiện Sở đang kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Quyết định 89/2007/QĐ-TTg đối với các vùng mới sáp nhập về Hà Nội.
Theo đó, hai TP Hà Đông và Sơn Tây sẽ thành lập bộ máy Thanh tra xây dựng TP, với quy mô tổ chức và biên chế như quy định tại Điều 4 của Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức và biên chế của Thanh tra cấp quận.
Với 13 huyện mới của Hà Nội gồm Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh được kiến nghị thành lập bộ máy Thanh tra xây dựng huyện. Quy mô tổ chức và biên chế do UBND TP Hà Nội căn cứ thực tế phát triển đô thị trên từng huyện.
Riêng đối với bộ máy Thanh tra xây dựng tại cấp phường, xã tại các vùng mới sáp nhập, Sở Xây dựng kiến nghị tùy điều kiện thực tế do UBND TP Hà Đông, TP Sơn Tây và các huyện đề xuất, TP Hà Nội sẽ quyết định thành lập. Quy mô tổ chức và số lượng biên chế ở cấp này cũng tuỳ thuộc vào thực tế phát triển đô thị ở từng phường, xã.
Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của lực lượng Thanh tra cấp phường, xã, ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng: “Phải quy định rõ trật tự xây dựng trên địa bàn là do chính quyền phường chịu trách nhiệm. Vì thực tế nhiều công trình Sở quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhưng không thực hiện được vì không có lực lượng. Vấn đề là chính quyền phường phải vào cuộc”.
Ông Thọ nhấn mạnh: “Tất nhiên là khi đã phân cấp rồi mà TP không kiểm tra thì cũng bằng thừa. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là chính quyền phường phải chịu trách nhiệm”.
Sẽ chuyển giao 2 đội thanh tra xây dựng tại Hà Tây (cũ)
Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển giao 2 Đội Thanh tra xây dựng số 1 và số 2 thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Tây cũ, đang hoạt động tại TP Hà Đông và TP Sơn Tây, cho UBND hai TP này quản lý, điều hành.
Theo Báo Gia Đình
- 202
- By Admin
- 15/09/2008
- 17