Tránh lợi dụng quy định để thu hồi đất
Thỏa thuận với dân: Không dễ
Về quy định thu hồi đất trong dự luật, ý kiến ĐB Quốc hội cũng khác nhau, thậm chí trái ngược đã đặt ra hàng loạt vấn đề có thể dẫn tới làm phức tạp thêm tình hình đất đai vốn đã "nóng".
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự luật cần quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; còn những dự án đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất khi nhận chuyển nhượng, góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề xuất không nên quy định nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển KT-XH vì rất dễ bị lợi dụng, gây nhiều bức xúc. "Nếu giữ quy định này thì phải phân loại cụ thể dự án loại nào nhà nước thu hồi, loại nào chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân" - ông Thành đề nghị.
Có góc nhìn khác, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích: Nếu để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân về giá sẽ không thực hiện được, kéo dài thời gian triển khai làm ảnh hưởng đến mục tiêu, quy hoạch phát triển KT-XH.
"Để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển KT-XH và tạo được sự đồng thuận giữa người dân có đất trong dự án và chủ đầu tư, tôi thống nhất việc tư vấn định giá đất theo nguyên tắc, phương pháp được quy định tại điều 110 của dự luật" - ĐB Công nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ". Vì thế, khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất đó cần được bảo hộ. Trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế, nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó. "Đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất" - ĐB Vinh khẳng định.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý khi quy định thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhân dân |
Phải trưng mua tài sản trên đất
Quy định thu hồi đất thế nào để người dân có đất không bị thiệt thòi cũng là băn khoăn của nhiều ĐB. Về tài sản gắn liền với đất như nhà ở, ĐB Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề: "Tại sao không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này?".
Tán đồng, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: "Về tài sản, phải bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân theo nguyên tắc thỏa thuận bằng một quyết định hành chính riêng".
Cùng quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), cho rằng thu hồi đất của người dân nhưng tài sản của họ trên đất, kể cả nhà cửa, cây cối… thì phải trưng mua để bảo đảm quyền sở hữu tài sản phù hợp với quy định Bộ Luật Dân sự. "Không nên đánh đồng bồi thường về đất khi thu hồi với bồi thường tài sản gắn liền trên đất" - ĐB Thảo đề nghị.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị làm rõ yếu tố "lợi ích ngầm" trong việc cấp sai quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất công... và có quy định xử lý nghiêm minh |
Xóa cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Dự luật quy định hợp đồng, văn bản của người có quyền sử dụng đất "bắt buộc công chứng, chứng thực một số trường hợp" là không hợp lý. Tôi đề nghị áp dụng theo phương án việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản được thực hiện theo nhu cầu của các bên đã được đa số nhân dân ủng hộ theo báo cáo của Chính phủ" - ĐB Lê Trọng Sang (Tp.HCM). |
Một mặt kiến nghị nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, ĐB Trần Ngọc Vinh đánh giá nội dung về giá đất trong dự luật vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản. "Giá đất phải giải quyết được vấn đề hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không thể để tình trạng giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất thấp trong khi các nhà đầu tư được lợi rất lớn, có khi cao gấp hàng trăm lần khi chuyển nhượng đất, giao đất cho người khác trên thị trường" - ĐB Vinh nhận định.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị: "Việc định giá đất hiện nay chưa hợp lý, cần giao cho một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm công bằng, thỏa đáng". "Cần xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi" - ĐB Vinh nhấn mạnh.
Về việc ngăn chặn dự án "treo", ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng quy định về điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch dự án sau 3 năm mà chưa có quyết định thu hồi đất vẫn chưa đủ mạnh. Từ đó, dẫn đến dự án sau công bố quy hoạch triển khai cầm chừng, thậm chí bỏ hoang.
"Dự án "treo" gây bất bình trong nhân dân; lợi ít, hại nhiều mà không ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố. Cần có chế tài nghiêm khắc đối với trách nhiệm quản lý của người có thẩm quyền" - ông Nghĩa góp ý.
Nói về vấn đề xử lý sai phạm trong việc cấp quyền sử dụng đất sai; lấn chiếm đất công, đất rừng; cấp nhầm đất của người khác..., ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị làm rõ yếu tố "lợi ích ngầm" trong những trường hợp trên và phải chế tài, xử lý nghiêm minh.
Dùng thuế trị nạn bỏ hoang đất ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm của các tổ chức đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí đất đai. "Cần quy định nhà đầu tư bỏ hoang đất phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không được thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại" - ĐB Hà nói. |
- 149
- By Admin
- 18/06/2013
- 17