Tranh chấp tại chung cư Orient vẫn căng thẳng!
Ông Nguyễn Văn Toàn: “Nếu ai cho phép xây penhouse trên sân thượng, chúng tôi sẽ kiện tới cùng” . Ảnh: Lê Thư |
Sáng 28/11, Cy Cổ phần Thủy sản 4 (TS4), chủ đầu tư chung cư Orient (331 Bến Vân Đồn, quận 4, Tp.HCM), đối thoại với hơn 100 hộ dân của tòa nhà này về những bức xúc chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề là sở hữu chung-riêng thì vẫn căng thẳng.
Chung cư cao cấp mà chất lượng không cao cấp
Chung cư cao cấp Orient cao 17 tầng với 180 căn hộ (trong đó chủ đầu tư đã bán 123 căn). Nhiều bức xúc của khách hàng về chất lượng dịch vụ đã phát sinh kể từ khi tòa nhà chính thức được đưa vào hoạt động (tháng 7-2010).
Ông Bình, chủ căn hộ B4 (tầng 14) bức xúc: “Gia đình tôi dọn về đây ở từ 3 tháng trước và đã hai lần thang máy rơi tự do. Rất may hệ thống con quay (phanh cơ học) còn hoạt động, nếu không đã mất mạng. Tôi đã kiến nghị chủ đầu tư nhưng hơn hai tháng rồi chưa thấy hồi âm”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ hai căn hộ ở tầng 7 phản ánh, vừa qua, ông đi công tác nước ngoài một tuần, chậm nộp tiền điện, đơn vị quản lý tòa nhà ngang nhiên cắt điện. Phí giữ ô tô quá cao, chủ đầu tư không cho đỗ ô tô dưới tầng hầm, dân buộc phải đỗ trên lối đi, trong khi tầng hầm rộng rãi, là sở hữu chung và có chức năng giữ xe.
Nhiều hộ dân lo lắng về vấn đề an ninh, nhất là tòa nhà sắp khai trương khu thương mại, người lạ có thể đột nhập vào khu vực dân cư từ thang máy, trong khi không có camera theo dõi. Các hộ dân ở tầng 3 còn phản ánh chuyện nước thải hôi thối trào ngược vào nhà…
Cơ quan chức năng hiểu sai luật!
Cuộc tranh chấp chỉ thực sự căng thẳng khi CTCP thủy sản 4 (TS4) cho biết sẽ xây dựng 4 penhouse trên tầng thượng (tầng 18). Cư dân Orient đã gửi thư ngỏ đến TS4 và khẳng định rằng: Sân thượng thuộc sở hữu chung theo quy định trong Luật Nhà ở (có hiệu lực từ năm 2006) và NĐ 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 8.8.2010). Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 28.11, ông Nguyễn Văn Lực-Tổng GĐ TS4-vẫn cho rằng, ngoài diện tích 140m2 tầng kỹ thuật sân thượng đã được ghi rõ trong hợp đồng hứa mua hứa bán (HĐHMHB) căn hộ là thuộc sở hữu chung, thì phần còn lại là sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Căn cứ để ông Lực tuyên bố sở hữu phần sở hữu chung xuất phát từ QĐ số 88/QĐ-SXD-PTN - ngày 25.8.2008 của Sở Xây dựng về việc phê duyệt điều chỉnh DA đầu tư xây dựng chung cư cao tầng số 331 Bến Vân Đồn. Trong quyết định này, diện tích sở hữu chung gồm có “diện tích tầng kỹ thuật sân thượng: 140m2”.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc tại văn bản số 1283/SQHKT-QHKTT - ngày 18.5.2010, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã chấp thuận đề xuất của sở này về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc công trình 331 Bến Vân Đồn tại văn bản 2636/UBND-ĐTMT - ngày 5.6.2010. Từ đây, ngày 12.8.2010, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã có văn bản “thống nhất đề xuất của CTCP thủy sản 4 về việc xây dựng thêm 4 căn hộ penhouse tại tầng 18”. Chính vì thế, ông Lực càng có lý do để khẳng định: “Sân thượng là sở hữu của chúng tôi. Chúng tôi được phép của UBND TP và Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho phép xây dựng 4 penhouse”.
Điều 70 Luật Nhà ở và điều 49 NĐ 71 đều đã quy định rất rõ: Phần sở hữu chung bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có sàn, mái, sân thượng...Qua nhiều cuộc tranh chấp tại nhiều chung cư trong cả nước thời gian qua, vấn đề này đã được làm rõ, thiết nghĩ không cần phải bàn cãi thêm. Quyết định số 88 của Sở Xây dựng lại chính là một quyết định đầy kẽ hở và đồng thuận với sự áp đặt của chủ đầu tư để “bớt xén” phần sở hữu chung sân thượng, mà theo pháp luật là hoàn toàn thuộc về cư dân chung cư. Và không biết cố tình với động cơ riêng hay do sơ hở mà các văn bản sau đó của Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng đồng thuận với sai trái này. Từ sự sai trái của Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã đi đến tham mưu sai, khiến Phó Chủ tịch UBND TP ban hành văn bản 2636 để bị lợi dụng.
Cũng cần nói thêm, trong HĐHMHB căn hộ giữa TS4 với khách hàng vào năm 2009, trong điều 12 quy định về quyền sở hữu, không hề có quy định rằng chủ đầu tư (bên A) là TS4 sở hữu sân thượng. Trong trường hợp này, phần sân thượng (ngoài diện tích tầng kỹ thuật sân thượng 140m2 đã có quy định rõ) không bị ràng buộc theo bất cứ điều khoản cụ thể nào về sở hữu nghiễm nhiên bị chi phối theo quy định của pháp luật, tức thuộc về sở hữu chung. Và những văn bản ở cấp thành phố nếu trái với quy định trong các văn bản pháp quy đương nhiên bị vô hiệu. Có lẽ vì thất lý như vậy cho nên ông Lực - trong cuộc họp ngày 28/11 - lại đưa ra cách đấu dịu đầy khôi hài: Không xây 4 penhouse nữa, nhưng sở hữu tầng thượng vẫn thuộc về TS4 (?).
(Theo Tiền Phong,LĐ)
- 0
- By Admin
- 30/11/2010
- 17