Tranh chấp tại chung cư: Cảnh báo bất ổn về môi trường sống
Ban đầu, tranh chấp chủ yếu về phần sở hữu chung, sở hữu riêng, sau đó tranh chấp về các khoản phí vô lý, hoặc phí cao, tiếp đến tranh chấp về nơi để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, tranh chấp các dịch vụ cung cấp độc quyền như gas, điện, nước, internet…Những người mua nhà ở chung cư Copac nổi giận biểu tình. Ảnh: Bảo Chương |
Để giải quyết những tranh chấp trên, hội nghị chung cư bầu ban quản trị đã được mở ra. Tuy nhiên, chính các cuộc hội nghị này lại phát sinh mâu thuẫn mới.
Tẩy chay hội nghị
Sự kiện cư dân chung cư E Home Đông Sài Gòn 1 (E Home 1), quận 9, Tp.HCM tẩy chay không tham dự hội nghị nhà chung cư, một lần nữa đã nói lên những bất ổn trong việc bầu ra ban quản trị tại các toà chung cư hiện nay. Tại chung cư E Home 1 có tất cả 312 căn hộ, trong đó có 250 căn đã bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư tổ chức hội nghị chung cư nhằm bầu ra ban quản trị, lại chỉ gửi thư mời tới 152 hộ, nên cư dân bất bình. Kết quả, hội nghị bất thành vì chỉ có 41 hộ dân tham dự.
Không chỉ có E Home 1, ngay tại chung cư Hoàng Tháp (khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh) cũng xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về việc bầu ban quản trị. Dù hội nghị chung cư được tổ chức, kết quả cuộc bầu cử hợp lệ, nhưng do chủ đầu tư không cử người tham gia ban quản trị, nên UBND huyện Bình Chánh không thể công nhận ban quản trị chung cư Hoàng Tháp. Sự giằng co giữa chủ đầu tư và cư dân tiếp tục diễn ra, nên tại chung cư Hoàng Tháp đã tồn tại một mô hình quản lý chưa từng có ở các chung cư: một bên là ban quản trị chung cư đã được bầu hợp lệ, bên kia là ban quản lý chung cư.
Điều đáng chú ý là, những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư còn diễn ra tại các chung cư khác như: Conic Garden, Conic Đông Nam Á, Garden, Tản Đà, Trần Nhật Duật…
Vì quyền lợi và trách nhiệm?
Theo luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư Tp.HCM, nguyên nhân của các tranh chấp này là sự đối lập về lợi ích, nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và cộng đồng cư dân. Việc chủ đầu tư thường cố tình kéo dài thời gian không chịu tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo luật định thường là ở các nhà chung cư có mức thu phí quản lý hàng tháng cao, hoặc có các khoản thu dịch vụ cao, nên chủ đầu tư không muốn bàn giao. Còn theo diễn giả kinh tế Francis Hùng, nguyên nhân của những tranh chấp trên xuất phát từ vấn đề “đắc nhân tâm” giữa chủ đầu tư và cư dân. Dưới quan điểm của chủ đầu tư – ban quản lý được chủ đầu tư đào tạo bài bản, sẽ hành xử theo ý muốn của chủ đầu tư. Còn ban quản trị do cư dân bầu ra, đại diện quyền lợi cho cư dân, nên chủ đầu tư ngại họ sẽ “yêu sách” này nọ.
Thiếu chế tài?
Tuy nhiên, theo luật sư Phượng, để giải quyết tình trạng tranh chấp tại nhà chung cư, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ quan hệ và nguyên nhân tranh chấp, từ đó có cơ chế điều chỉnh phù hợp, không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý chung của cộng đồng cư dân. Cụ thể: UBND tỉnh/thành phố cần hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư và thủ tục để UBND cấp quận/huyện công nhận ban quản trị nhà chung cư. Trong đó, cũng cần hướng dẫn thủ tục bầu ban quản trị trong trường hợp chủ đầu tư không tổ chức hội nghị, và trường hợp tổ chức hội nghị không thành do cư dân không tham gia đầy đủ theo quy định là trên 50%. Đồng thời, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư chậm trễ không tổ chức hội nghị nhà chung cư.
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 23/10/2010
- 17