Tranh chấp quyền sử dụng đất
Năm 1993, ba tôi và hai ông H. và ông B. (cả ba đều là người kế thừa phần tài sản bên trên) mua hẳn lại mảnh đất đi thuê này. Văn bản xác nhận thanh toán cho bên nhượng QSDĐ chỉ thể hiện chung số tiền của cả ba hộ, mà không thể hiện số tiền cụ thể của từng hộ có chữ ký và con dấu của chính quyền.
Thật ra, mỗi hộ chỉ phải trả đúng số tiền tương ứng với diện tích đất mình sử dụng, riêng diện tích đất sử dụng chung thì chia đều cho cả ba. Có bốn bản vẽ thể hiện diện tích đất của từng hộ và một thể hiện diện tích đất của cả ba hộ. Khi tiến hành đo đạc ra bản vẽ, chi phí trả cho cán bộ địa chính hộ nào sử dụng nhiều đất thì trả nhiều, và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cũng vậy.
Cho đến nay, cả ba tôi và hai hộ còn lại cũng chưa ra sổ đỏ.
Năm 2005 khi cơ sở gốm ngưng hoạt động thì ông B. có yêu cầu phân chia phần diện tích đất sử dụng chung và đã phân chia.
Năm 2008, ông B. lại yêu cầu chia phần đất sử dụng riêng của từng hộ làm ba phần bằng nhau (do ông B. có phần đất riêng ít nhất), dựa trên cơ sở văn bản thanh toán tiền cho bên nhượng QSDĐ không có thể hiện số tiền cụ thể của từng hộ.
Ba tôi chỉ lưu lại mảnh giấy viết tay do chính ông B. viết cụ thể số tiền mà ba tôi mua lại phần diện tích đất riêng này, cũng như số tiền của ông H. và ông B.
Năm 2001, khi phần đất của ba tôi vô tình trở thành mặt tiền đường nhựa, ông B. cũng yêu cầu phân chia lại phần đất riêng cho ông có trong có ngoài. Thật ra, 1943-2001, phần đất sử dụng riêng của hộ nào cũng có đường đất để xe tải ra vào được.
Trong trường hợp này ba tôi phải làm sao cho đúng luật đất đai? Văn bản luật điều mấy, khoản mấy có qui định rõ điểu này? Làm sao để ba sớm thoát khỏi vụ tranh chấp này và chóng ra sổ đỏ? Kính mong luật sư tư vấn giùm. Chân thành cảm ơn.
(vlykimtrong@... )
- Trả lời:
Theo thư của bạn tôi hiểu là gia đình của bạn đã sử dụng đất ổn định từ năm 1941 đến nay.
Tại Khoản 4 điều 50 Luật đất đai năm 2003 đã quy định như sau: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai (giấy tờ hợp lệ) nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo quy định này thì đất của gia đình bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, giữa gia đình bạn và ông B. có tranh chấp về vị trí và diện tích đất sử dụng, vì vậy để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong trường hợp này đòi hỏi phải giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình bạn và ông B.
Theo quy định tại khoản 2 điều 135 Luật đất đai, bạn phải làm đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì bạn gửi đơn đến chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết đối với tranh chấp đất đai.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của gia đình bạn thì các cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào: hiện trạng sử dụng đất ổn định từ năm 1941 cho đến nay; căn cứ vào các bản vẽ đã được lập từ năm 1993; căn cứ vào sổ sách đăng ký kê khai sử dụng đất của các hộ và giấy viết tay (ông B lập) để xác định xem gia đình bạn có phải là người sử dụng đất hợp pháp hay không.
Thân ái chào bạn.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)
- 268
- By Admin
- 12/05/2009
- 17