Tranh chấp khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai: Ngừng thi công, chờ ý kiến lãnh đạo
Tạm ngưng phá bê tông trên khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn. Ảnh: HTD |
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Tài khẳng định, pháp lý về quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương là đúng. Tuy nhiên, dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vì thế, trên tinh thần cầu thị và thận trọng, TP yêu cầu phía ngân hàng tạm ngừng thi công và sẽ báo cáo Thành ủy, chủ tịch UBND TP để có ý kiến chỉ đạo.
Nếu TP cho ngân hàng xây trụ sở để sử dụng, khi nào mở rộng Trường Lê Quý Đôn sẽ thu hồi lại thì ông có nghĩ là gây khó khăn thêm cho công tác bồi thường và lãng phí lớn khi trụ sở mới vừa xây lại phải đập?
Có một số chi tiết trong dư luận chưa chính xác, cần minh định lại. Thứ nhất, TP không cho ngân hàng xây cao ốc mà chỉ là trụ sở văn phòng làm việc với bốn tầng cao, mái ngói đổ về bốn phía, hình khối kiến trúc vật liệu, màu sắc hài hòa với không gian chung của khu vực trường. Thứ hai, sẽ không có câu chuyện tòa nhà này sẽ bị đập bỏ khi mở rộng trường mà sẽ dành để phục vụ cho trường vì mở rộng trường thì cũng cần phải mở mang phòng học. Khi đó chỉ cần chỉnh trang tòa nhà một chút do cơ bản kiến trúc đã hài hòa với cảnh quan trường. Trong cuộc họp với các sở, ngành vào ngày 30/3, TP đã kết luận như trên.
Vậy phương án hoán đổi đất cho ngân hàng ở một vị trí khác để bảo toàn nguyên vẹn cả ô phố? Vì sao TP không lựa chọn phương án này dù Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình?
Cần nói thêm một chút về nguồn gốc khu đất 112 NTMK của ngân hàng. Năm 1989, Ngân hàng Công thương VN đã hoán đổi trụ sở cũ của mình với diện tích đất 794 m2 đất tại 35-37 Pasteur để làm trụ sở Ngân hàng Phát triển nhà của TP. Khu đất 112 NTMK được Sở Nhà đất TP xác định là tài sản cố định của ngân hàng từ năm đó.
Đến năm 2007, theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại QĐ 09 của Thủ tướng được Bộ Tài chính phê duyệt và Ban Chỉ đạo 09 - Sở Tài chính thỏa thuận, ngân hàng được tiếp tục sử dụng vào mục đích văn phòng làm việc của tổ xe và garage ôtô. Năm 2009, Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng với thời hạn thuê đất là 50 năm, mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh.
Như vậy, khu đất 112 NTMK là tài sản hợp pháp của ngân hàng. Nếu muốn hoán đổi thì phải tìm một khu đất có diện tích, vị trí tương đồng cho họ, không thể đẩy họ đi xa. Trong báo cáo Thành ủy và chủ tịch UBND TP, tôi cũng đề xuất phương án này nếu không chấp nhận cho ngân hàng xây tại địa điểm 112 NTMK. Nhưng cũng nói thẳng, e là khó có thể tìm được khu đất nào như vậy tại quận 1, quận 3 để hoán đổi.
Vậy bảo tồn cảnh quan kiến trúc, mở rộng một ngôi trường truyền thống nổi tiếng thì phải chịu xếp thứ nhì trong thứ tự ưu tiên?
Khi chỉ có một đồng vốn trong tay, người ta không thể đạt được mọi mong muốn: đẹp, tốt, rẻ... mà phải chấp nhận có tiến độ. Ngoài ra, bảo tồn, theo tôi cũng có nhiều cách. Không phải bảo tồn chỉ có nghĩa là để nguyên, không được xây mới, xây mới nếu hài hòa và đẹp cũng là một giải pháp.
Cảm ơn ông.
Liên quan đến việc cấp phép cho ngân hàng xây dựng trụ sở ở khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Tp.HCM), dư luận khẳng định việc cấp phép này không sai pháp luật. Tuy nhiên, việc này dù là hợp pháp nhưng không phù hợp với lợi ích chung thì cũng cần phải xem xét lại. Hơn nữa, về khách quan, Trường Lê Quý Đôn với lịch sử trên 130 năm xứng đáng được bảo tồn di tích, cảnh quan kiến trúc... Ngày 30/3, lãnh đạo UBND TP đã có ý kiến về vụ tranh chấp khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai giữa Trường THPT Lê Quý Đôn và Ngân hàng Công Thương Việt Nam Chi nhánh Tp.HCM. Lãnh đạo TP cho hay khu đất 440,5 m2 đang tranh chấp thuộc dự án mở rộng trường Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, hiện ngân sách của TP không đủ để thực hiện dự án. Do đó, khu đất được giao cho phía ngân hàng xây dựng, đến khi nào TP thực hiện dự án mở rộng trường thì sẽ thu hồi và bồi thường cho phía ngân hàng. Khu đất nói trên nằm tiếp giáp với Trường Lê Quý Đôn. Theo UBND quận 3, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo lập phương án di dời tổng thể (trong đó có cả khu đất này) để mở rộng trường Lê Quý Đôn. Hiện quận đã xây dựng xong đơn giá đất ở để tính bồi thường, đang trình Hội đồng Thẩm định bồi thường TP xem xét. Tuy nhiên, phần đất này cũng được UBND TP cho Ngân hàng Công Thương VN Chi nhánh Tp.HCM thuê với thời hạn 50 năm, phía ngân hàng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2009. Theo giải thích của phía ngân hàng, đất này được TP hoán đổi cho ngân hàng từ năm 1989, được TP và Bộ Tài chính đồng ý cho tiếp tục sử dụng, không thuộc khuôn viên Trường Lê Quý Đôn và cũng không có quy hoạch đây là đất trường học. Khi phía ngân hàng được cấp phép xây dựng trụ sở (với quy mô sáu tầng, hai tầng hầm) vào tháng 12-2010 và khởi công xây dựng vào tháng 3-2011 thì tranh chấp xảy ra. |
(Theo PLTP)
- 138
- By Admin
- 11/04/2011
- 17