• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tranh chấp đất khi ly hôn với người nước ngoài

Trước đây vợ chồng tôi đã cùng bỏ tiền đầu tư mua đất để mở công ty du lịch sinh thái biển khoảng 10.000 m2. Công ty này đang hoạt động bình thường và do tôi đứng tên và là chủ sở hữu.

Vậy sau khi ly hôn tôi muốn giữ lại tất cả diện tích đất để công ty được tiếp tục hoạt động được không?

Sau khi Tòa sử chia tài sản theo luật hôn nhân, do tôi muốn giữ đất, tôi có thể đưa phần tiền giá trị một nửa số tài sản và đất đai mà tòa đã định giá cho chồng tôi được không?

Hiện nay thì chồng tôi cũng đang muốn tranh chấp để lấy đất, vậy anh ấy có lấy đất được không? Tôi phải làm thế nào?

Xin chân thành cảm ơn!

[thanh196938@yahoo.com.vn]


Trả lời:

1. Trước hết, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Theo đó, trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCN) phải ghi tên của cả vợ chồng (khoản 1 & 2, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình). Tuy nhiên, trường hợp tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân mà vì lý do nào đó chỉ một bên đứng tên, nếu không có tranh chấp thì tài sản đó vẫn là tài sản chung của vợ chồng (khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình). Nếu có tranh chấp thì người có tên trong GCN phải chứng minh tài sản đó là tài sản riêng, nếu không chứng minh được thì tài sản đó vẫn là tài sản chung.

Vì vậy, trong trường hợp của chị, dù chồng chị không đứng tên trên GCN, nhưng mảnh đất để thực hiện dự án du lịch sinh thái do công ty mà chị đứng tên vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng chị có trong thời kỳ hôn nhân (trừ khi chị chứng minh được đó là tài sản riêng của chị) và sẽ được chia theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Việc tự thỏa thuận phân chia tài sản chung khi ly hôn là quyền của các bên, và nếu không thỏa thuận được hoặc có tranh chấp thì các bên có quyền đề nghị cơ quan Tòa án xem xét giải quyết.

Thông thường, khi có tranh chấp về tài sản chung, Tòa án sẽ xem xét các chứng cứ để giải thích, giúp cho đương sự hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ liên quan. Nếu không hòa giải thành việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc nêu tại Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:

- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Căn cứ vào những quy định nói trên, hiện nay chị đang có lợi thế về mặt pháp lý khi GCN và dự án du lịch sinh thái đều do chị đứng tên. Tuy nhiên, chị cần lưu ý rằng, đây chỉ là lợi thế chứ không phải là yếu tố tiên quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định cho chị được quyền giữ lại toàn bộ tài sản nói trên.

Do đó, trong trường hợp chị muốn giữ lại khối tài sản bằng cách thanh toán cho chồng chị ½ giá trị tài sản (bằng tiền), thì chị nên nêu ý kiến đề xuất này trực tiếp với chồng chị để các bên có thể thỏa thuận, thương lượng hướng giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng nhất. Và chỉ có giải pháp hòa giải thành công mới giúp cho các bên không tốn nhiều công sức, thời gian, của cải để giải quyết vụ việc.

(Theo Thanh niên)

 

  • 306
  • By Admin
  • 05/01/2011
  • 17