Tranh chấp đất dành cho lối đi chung
Vì đất nông nghiệp nên tôi không thể tách phần diện tích đường đi ra khỏi sổ đỏ được nên yêu cầu chồng bà Lưới viết một giấy tay phải chừa đường đi cho các hộ phía sau và khi sang sổ đỏ phải yêu cầu chú thích vào sổ đỏ phần đường đi.Chồng bà Lưới đã viết giấy nội dung là chừa diện tích đất cho phần đường đi và khi tính tiền tôi cũng không tính phần đường đi. Sau khi chồng bà Lưới chết, con của bà Lưới lại kiện tôi và bít phần đường đi trên không cho các hộ phía sau đi.
Họ cho rằng đất đường đi là nằm trong phần sổ đỏ của họ, và không biết giấy viết tay của cha họ là ở đâu ra? Hiện tại tôi vẫn giữ giấy viết tay và tòa đang chuẩn bị xử. Cho hỏi tôi làm như vậy có đúng không và khi tòa xử thì tôi nên lập luận như thế nào để bảo vệ phần đường đi cho các hộ phía sau? Nguyễn Thị Trang, (hointscb@...)
Trả lời
Về việc tranh chấp quyền sử dụng đất là lối đi chung1. Về câu hỏi đúng hay sai liên quan đến việc giao dịch giữa bà và chồng bà Lưới.
Để đánh giá sự việc đúng hay sai đòi hỏi phải xem xét, đánh giá toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ kiện.
Do đó, chúng tôi không thể đưa ra nhận xét chỉ dựa trên những sự kiện do một bên cung cấp. Nhưng theo nhận xét riêng của chúng tôi, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chồng bà Lưới bà đã yêu cầu chồng bà Lưới phải chừa ra một lối đi chung cho các hộ sử dụng những thửa đất phía sau là hoàn toàn chính đáng và hợp lý.
Đối với việc đánh giá các bằng chứng do ông/bà đưa ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà và các hộ sử dụng đất phía sau, thì theo quan điểm của chúng tôi, bà phải chờ kết quả xét xử của tòa án. Vì tòa án mới là nơi có thẩm quyền và đủ điều kiện để xem xét và đánh giá toàn bộ chứng cứ liên quan đến vụ kiện.
2. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bà nên chuẩn bị và cung cấp các chứng cứ sau:
i. Bằng chứng về việc chồng bà Lưới cam kết chừa ra 63m2 (3m x 21m) làm lối đi chung cho các hộ sử dụng đất phía sau;
ii. Bằng chứng về việc ông/bà không tính tiền phần đất nêu trên;
iii. Bằng chứng về việc ông/bà không ký bất cứ hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất nào cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những bằng chứng nêu trên nhằm chứng minh phần đất nêu trên bà và chồng bà Lưới đã thỏa thuận dùng làm đường đi chung và không thuộc đối tượng của hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất do thực tế các bên không tính tiền sang nhượng cho phần đất này.
Ngoài các chứng cứ nêu trên có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bà và các hộ sử dụng đất phía sau, thì bà có thể vận dụng điều 275 Bộ luật dân sự quy định về quyền về lối đi qua bất động sản liền kề:
“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định khoản 2 điều này mà không có đền bù”.
Điều luật nêu trên được áp dụng khi bà không đủ những chứng cứ nêu trên hay những chứng cứ đó không đủ chứng minh cho quyền của bà và các hộ sử dụng đất phía sau có quyền sử dụng phần đất làm lối đi chung căn cứ theo thỏa thuận của bà với chồng bà Lưới trước đây.
Luật sư Phạm Đình Sơn
(Theo TTO)
- 237
- By Admin
- 02/03/2012
- 17