Tránh "bão" tài chính, dân Nhật tìm mua BĐS nước ngoài
Hiroshi Kosaka có ý tưởng kỳ lạ cho công việc kinh doanh bất động sản của mình: thay vì những hình ảnh đẹp đẽ về các căn hộ chung cư, trang web của anh có số liệu về nợ của Nhật Bản và các kịch bản về khủng hoảng ngân sách.Ảnh minh họa |
Công ty của Kosaka là một phần của ngành công nghiệp nhà ở đang bùng nổ ở Nhật Bản nhằm giúp những người tiết kiệm nước này có thể thoát khỏi đồng yên và tìm được các bất động sản ở nước ngoài như một tài sản an toàn trong khủng hoảng tài chính.
Các số liệu cho thấy mức nợ công cao gấp 2 lần so với sản lượng kinh tế trở thành chủ đề bàn luận chính tại cuộc hội thảo Kosaka tổ chức ở Tokyo. Rất nhiều người dân Nhật Bản đang lo lắng chính phủ sẽ tăng thuế và mất hết niềm tin vào ngành năng lượng hạt nhân sau khi trận động đất và sóng thần năm ngoái tạo nên thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sự kiện Chernobyl năm 1986.
Trong quá khứ, người dân Nhật Bản vẫn mua bất động sản ở nước ngoài, tuy nhiên kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân, đây không chỉ là lựa chọn của người giàu và người về hưu. Ngày càng có nhiều người trung lưu và người trẻ mở tài khoản ngân hàng ở Malaysia, New Zealand và Singapore để mua chung cư và nhà ở.
Theo Kosaka, kể từ tháng 11 năm ngoái anh đã giúp khoảng 25 người mua chung cư đang xây dựng tại Malaysia và chỉ có 1/3 trong số đó là người giàu.
Lý do của xu hướng này rất đơn giản. Đồng yên đang có giá quá cao và giá mỗi m2 ở Malaysia chỉ bằng 1/3 so với ở Tokyo. Khách hàng cũng có thể vay tiền từ ngân hàng ở Malaysia. Thêm vào đó, chi phí sống ở Malaysia là rất thấp, thời tiết ấm áp quanh năm, dân số trẻ, tỷ lệ tội phạm thấp và ở nơi đây có tiềm năng phát triển kinh tế.
Theo NHTW Nhật Bản, trong quý IV năm 2011, các hộ gia đình đã rót 578 tỷ yên (tương đương 7,28 tỷ USD) vào các chứng khoán nước ngoài. Có thể đây chỉ là một phần rất nhỏ so với con số tiết kiệm đạt 15 nghìn tỷ USD của các hộ gia đình Nhật Bản, tuy nhiên, con số cũng đã thể hiện những lo ngại về rủi ro đang tăng cao và rõ ràng gửi tiền ra nước ngoài có nhiều lợi thế hơn là giữ tiền ở trong nước.
(Theo TTVN/Reuters)
- 155
- By Admin
- 30/05/2012
- 17