Trận lụt lịch sử tại Hà Nội: Bài học đắt giá cho quy hoạch đô thị
Đó là ý kiến của KTS Ngô Trung Hải, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) trong cuộc trao đổi với PV.
* Dưới con mắt của một nhà làm quy hoạch, ông đánh giá thế nào về đô thị Hà Nội qua trận ngập vừa qua?
- Đấy là bài học đắt giá cho cái gọi là quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Qua kiểm tra tài liệu 2 dự án chính mà Hà Nội đang vận hành (quy hoạch Hà Nội được phê duyệt năm 1998 và dự án cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội giai đoạn 1) thì thấy rằng, quy hoạch năm 1998 đã tạo ra cho Hà Nội (cũ) một kế hoạch phát triển tương đối toàn diện với hệ thống gần 40 hồ lớn nhỏ, cùng 4 con sông vuông góc chảy theo trục Bắc - Nam và đổ ra sông Hồng.
Nhưng quá trình phát triển đô thị đã bộc lộ rằng, hiện tại phần âm của đô thị Hà Nội (phần chứa nước và thoát nước) không cân bằng với phần dương. Năng lực chứa nước của các hồ và các dòng sông quá nhỏ, tốc độ thoát nước của hệ thống cống không đủ.
Nếu khảo sát, tôi chắc chắn hiện lòng cống chỉ còn 40 - 50% diện tích thiết kế. Mưa lớn, hồ không đủ chứa, cống không thoát kịp nên đường thành sông là điều dễ hiểu.
Ông Ngô Trung Hải.
- Tất nhiên các nhà quy hoạch không thể thiết kế một hệ thống tương ứng với lượng tối đa như vậy, sẽ rất tốn kém mà chỉ tính lượng trung bình (phổ biến cách tính của các nhà quy hoạch trên cơ sở lượng mưa 200 - 300 mm/ngày).
Nhưng vấn đề ở đây là phải có phương án dự phòng, trong trường hợp cao hơn năng lực tự nhiên thì phải có hệ thống thoát nước khẩn cấp. Ví dụ như Hà Nội, trong trường hợp đó không thể đợi nước tự chảy về phía Nam (hồ Yên Sở) mà phải cưỡng chế nó chảy về phía Bắc (sông Tô Lịch) và đổ ra sông Hồng. Phương án đẩy ép như thế thì Hà Nội không có, mà thực tế hầu hết các đô thị của ta đều không có.
* Theo ông, Hà Nội sẽ phải làm gì cho bài toán về quy hoạch hạ tầng?
- Ngay lập tức phải nhìn nhận lại giá trị của hồ, các dòng sông nhỏ; thậm chí sẽ phải hy sinh một số khu nhà ổ chuột để mở rộng hồ, đào sâu thêm; cải tạo một số kênh... Ví dụ như ở Hàn Quốc, khi đô thị phát triển quá nóng họ phải chấp nhận phá đi cả một con đường cao tốc để đào lại một con sông ngay giữa thủ đô.
Hà Lan cũng đang dự kiến bỏ đi 3 con đường ở thủ đô Amsterdam để trả lại kênh rạch như ngày xưa. Theo quy hoạch năm 1998, hồ của Hà Nội chiếm trên 10% diện tích xây dựng của thành phố, về nguyên lý nếu tỷ lệ này cao hơn thì khả năng chứa nước tốt hơn.
* Có một sự thật rằng, các khu phố cổ, phố cũ mà người Pháp thiết kế ở Hà Nội đều rất "khô ráo" trong trận ngập vừa qua, còn các khu đô thị mới thì lại ngập rất nặng?
- Có 2 lý do, thứ nhất là các khu phố cổ và phố do người Pháp xây dựng sau này đều được đặt ở những vị trí cao nhất của Hà Nội, càng mở rộng chúng ta càng phải chấp nhận những khu thấp hơn, bởi vậy cũng không nên trách các nhà quy hoạch là tại sao các khu mới lại thấp và ngập úng.
* Thế thì tại sao hầu hết các khu mới của Hà Nội, các khu đô thị tập trung, thậm chí cả công trình vốn là niềm tự hào của Hà Nội là Trung tâm hội nghị quốc gia cũng ngập lụt trong nước?
- Đầu tiên là hạ tầng các khu đô thị mới của ta cực kỳ yếu kém, đặc biệt là hạ tầng kết nối với hệ thống chung nên mưa lớn dễ dàng tạo ra các ốc đảo như Định Công, Linh Đàm. Ở các nước, người ta nghiêm cấm chuyện bán nhà trước khi hoàn thiện hạ tầng, còn ở ta thì khác, quy hoạch một khu đô thị, chỉ cần giải phóng được một khoảnh nhỏ gọi là đường, thế là bán nhà cho dân.
Người dân phải chịu hệ lụy từ những khu đô thị mà hạ tầng yếu kém như thế. Còn Trung tâm hội nghị quốc gia bị ngập vì cốt nền ở đó quá thấp. Tôi không hiểu cốt đó được cấp như thế nào nhưng lẽ ra phải nâng lên khoảng 1 mét nữa mới đẹp.
* Thưa ông, cốt nền và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quan tâm như thế nào trong một đồ án quy hoạch?
- Cực kỳ quan trọng. Nó là quan tâm đầu tiên của bất kỳ nhà quy hoạch nào khi cầm bút vẽ. Nhưng trên thực tế nhiều khi làm thì làm thế thôi, vẽ thì vẽ thế thôi nhưng khi thẩm định cũng chẳng ai hỏi đến.
Có khi chỉ quan tâm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông là hết. Điều này không phải là tôi nghĩ ra mà vừa rồi thanh tra xây dựng thanh tra một số dự án ở Hà Nội, có khá nhiều đồ án quy hoạch thiếu rất nhiều bản vẽ nhưng vẫn được duyệt.
* Hà Nội mở rộng với một trong những lý do mà Bộ Xây dựng đề nghị là "có thêm đất cho hệ thống hạ tầng đang quá tải". Có hy vọng Hà Nội sẽ thoát cảnh ngập úng không, thưa ông?
- Theo những nghiên cứu của Viện Quy hoạch - Kiến trúc và các chuyên gia nước ngoài đang đề xuất thì Hà Nội phát triển theo mô hình tập hợp bởi đô thị vệ tinh và bằng mọi giá phải giữ được không gian cách ly của các đô thị, giữ tuyệt đối sông và hồ ao lớn của Hà Tây. Tôi tin chắc những đô thị vệ tinh mới không bao giờ ngập.
Theo Thanh Niên
- 0
- By Admin
- 10/11/2008
- 17