Tp.HCM quyết liệt xử lý dự án bất động sản chậm tiến độ
Nhiều dự án khủng... bất động
Trường hợp đầu tiên là Tòa cao ốc phức hợp Saigon One Tower tọa lạc ngay tại nút giao của 3 trục đường đắc địa Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (Quận 1) với tổng vốn đầu tư lên tới 256 triệu USD vừa bị UBND thành phố giao cho Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện do khiếu kiện dai dẳng, không thống nhất liên quan đến phần vốn góp của các liên doanh. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011 nhưng đến nay, sau 7 năm, công trình vẫn đang "chết đứng" dù đã xây dựng đến tầng 41.
Tại cuộc làm việc gần đây giữa UBND Tp.HCM với chủ đầu tư của Saigon One Tower, các bên đã thống nhất sẽ tái khởi động tòa nhà vào đầu năm 2016. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, vẫn chưa thấy dự áncó dấu hiệu xây dựng trở lại.
Tòa cao ốc phức hợp Saigon One Tower là một trong những dự án
bất động sản chậm tiến độ kéo dài. Ảnh: vietnamnet
Thực tế, trên địa bàn Tp.HCM, nhất là khu vực Quận 1, Quận 3 và trong phạm vi 930ha quy hoạch lõi trung tâm, hiện còn tồn tại cả chục khu đất "vàng" đang nằm đắp chiếu, chỉ được rào chắn tạm bợ xung quanh, quảng cáo nhếch nhác hoặc có khi biến thành nơi buôn bán các loại hình ăn uống, bãi trông giữ xe... gây lộn xộn và mất mỹ quan đô thị cho khu trung tâm. Chẳng hạn, dự án Trung tâm Thương mại - Khách sạn quốc tế Lavenue Crown (số 8-12, Lê Duẩn, Quận 1) của Công ty CP Đầu tư Lavenue dù đã được giải phóng mặt bằng từ cuối năm 2013 và dự kiến khởi công vào năm 2014, nhưng đến nay dự án vẫn đang "bất động". Phần diện tích 5.000m2 đất "kim cương" của dự án này đang được trưng dụng để làm bãi đỗ ô tô. Đây chỉ là một trong số nhiều dự án có chung số phận ở những khu "đất vàng" tại Tp.HCM hiện nay.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 137 dự án bất động sản tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 11,2% tổng số dự án). Ngoài ra, còn có 52 dự án chưa thể triển khai do còn vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng. Muốn "giải cứu" những dự án này cần phải có cơ chế đột phá, chính sách đặc biệt cho Tp.HCM.
Quyết liệt xử lý
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, đối với những dự án hết hạn cấp phép xây dựng, trước đây do cấp phép trước quy hoạch khu 930ha, do đó trường hợp chủ đầu tư muốn xây dựng trở lại sẽ phải chấp nhận điều chỉnh về quy mô, thiết kế của dự án để phù hợp, tránh gây áp lực hạ tầng lên khu trung tâm. Đối với những dự án mà chủ đầu tư đã tháo dỡ công trình cũ, nhưng không triển khai xây dựng (giấy phép xây dựng vẫn còn hiệu lực) hiện đang được trưng dụng làm nơi kinh doanh ăn uống, bãi giữ xe... nếu chủ đầu tư không khởi công xây dựng thì thành phố sẽ tiến hành thu hồi giấy công nhận chủ đầu tư, hoặc giấy phép xây dựng.
Riêng những dự án hiện đang trong quá trình xây dựng nhưng do nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, nợ nần, tranh chấp hợp đồng...mà chưa triển khai tiếp, những trường hợp này hiện rất nhiều và phức tạp, do đó sắp tới Sở Xây dựng sẽ tiến hành rà soát từng trường hợp cụ thể để có hướng xử lý. Nhằm thúc tiến độ những dự án chậm trễ hoặc bất động trên địa bàn, UBND Tp.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng liên quan tổ chức giám sát, buộc các chủ đầu tư phải nhanh chóng khởi công, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Đặc biệt, thành phố sẽ không cấp phép đầu tư dự án mới khi chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành dự án trước đó.
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh những giải pháp mạnh tay như rút giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư, Tp.HCM cũng cần phải tạo ra cơ chế thông thoáng hơn để những nhà đầu tư có năng lực có thể tham gia triển khai dự án. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thay vì chỉ rút giấy phép xây dựng, Tp.HCM nên mở ra các cơ chế mua bán, chuyển nhượng những dự án này. "Đây chính là nguồn hàng hóa dự án bất động sản rất tiềm năng, nhiều doanh nghiệp mạnh tài chính đang khao khát được sở hữu. Nếu thành phố có chính sách và cơ chế phù hợp, những dự án đang bất động sẽ được chọn mặt gửi vàng", ông Châu nhấn mạnh.
- 303
- By Admin
- 04/05/2016
- 17