• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM muốn được Thủ tướng ủy quyền phê duyệt các dự án nhà ở

HoREA cho rằng, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo cũng như định hướng chiến lược và kiểm tra, giám sát chứ không cần thiết phải trực tiếp xét duyệt, quyết định các dự án mà các đô thị đặc biệt như Tp.HCM vốn có đủ năng lực tự giải quyết. Vì thế, HoREA đề nghị có cơ chế phân cấp, ủy quyền cho chính quyền Tp.HCM được phê duyệt dự án, từ đó giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng ủy quyền cho UBND Tp.HCM được xem xét quyết định phê duyệt tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, không phân biệt quy mô. Đồng thời thành phố được quyết định phê duyệt các dự án công trình nhà ở cao tầng cấp 1 đến cao độ trên 100m (ngoại trừ các công trình cao trên 100m hoặc các công trình cấp đặc biệt).

dự án nhà ở
Tp.HCM muốn được tự phê duyệt các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa

Cũng theo HoREA, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Nghị định 101/2015/NĐ-CP có nêu nội dung phương thức lựa chọn chủ đầu tư hiện hành có nhược điểm rất lớn là khó tìm được sự đồng thuận của các chủ sở hữu nhà chung cư. Ngoài ra, cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, cũng như dự án chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, trong khi đó, nhu cầu này của thành phố là rất lớn và rất cấp bách.

Chưa kể, với vị trí là đô thị đặc biệt nên Tp.HCM cần có cơ chế riêng để xử lý kịp thời các vấn đề đặc thù của thành phố. Vì vậy, HoREA kiến nghị áp dụng cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án.

Cụ thể, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND Tp.HCM xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chỉ định thầu đối với các dự án chỉnh trang đô thị; các dự án xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng; dự án chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, thay vì dự án nào cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư như đã quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu 2013.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng muốn Thủ tướng cho phép UBND TP được xét duyệt và chỉ định nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) cho khách hàng đã nhận bàn giao nhà và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng với chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã thế chấp dự án và căn hộ cho ngân hàng, HoREA cũng đề nghị UBND Tp.HCM xem xét, chỉ đạo cho cấp sổ đỏ đối với các trường hợp này.

Theo Hiệp hội, người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ, xét cả tình và lý thì trước hết là không được phép để cho người dân bị đuổi ra khỏi nhà. Việc tranh chấp về khoản vay tín dụng có tài sản bảo đảm giữa chủ đầu tư và ngân hàng phải do hai bên tự giải quyết, nếu không sẽ ra tòa án giải quyết.

Trước đó, vào tháng 9/2015, UBND Tp.HCM đã trình Thủ tướng xem xét văn bản về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các trường hợp người mua nhà đã nhận bàn giao nhà và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng với chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư đã thế chấp dự án và căn hộ cho ngân hàng (như trường hợp chung cư Harmona ở quận Tân Bình mới đây).

Đến tháng 4/2016, Bộ Tư pháp cũng soạn thảo văn bản số 1184/BTP-ĐKGDBĐ với nooijd ung đề nghị UBND Tp.HCM tổ chức rà soát, đánh giá, thống kê số lượng từng dự án để có biện pháp xử lý phù hợp. Theo đó, hướng giải quyết là chủ đầu tư dự án phải giải chấp và thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà, trường hợp chủ đầu tư nào không thực hiện việc này thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, người mua nhà có quyền khởi kiện chủ đầu tư theo quy định của luật tố tụng dân sự. UBND Tp.HCM cũng đã có văn bản số 2317/UBND-ĐTMT ngày 17/5/2016 với nội dung chỉ đạo thực hiện theo văn bản của Bộ Tư pháp nêu trên.

  • 356
  • By Admin
  • 08/06/2016
  • 17