• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng

hạ tầng đô thị
Nhiều vấn đề đã được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo “Các giải pháp huy động 
vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP.HCM”

Ngày 7/7, tại hội thảo “Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Tp.HCM” , ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, từ nay đến năm 2030, thành phố cần khoảng 44 tỷ USD để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Một trong những thách thức thành phố phải đối mặt là nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn. Vì thế, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đang là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ông Tuyến nhấn mạnh vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM trong việc phối hợp với các sở ngành nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Nguồn lực sẽ được huy động từ việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); các nguồn lực sẵn có (quỹ nhà, đất, xã hội hóa quyền khai thác mặt bằng…); nghiên cứu cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm được chú trọng.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã góp ý, hiến kế cho thành phố về các giải pháp huy động vốn đầu tư cho hạ tầng. TS. Trần Du Lịch cho rằng việc huy động vốn, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc đô thị lớn 10 triệu dân. Thành phố cần rút kinh nghiệm về xã hội hóa đầu tư nhằm "bù đắp" sự thiếu hụt nguồn lực. Nhà nước chỉ nên sử dụng nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thu hút nguồn lực xã hội. Việc khai thác các quỹ đất đô thị cần chú trọng và đẩy mạnh.

Cơ chế hợp tác công tư cần tiếp tục ưu tiên thực hiện trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Để việc huy động suôn sẻ, cần kiến nghị Trung ương sớm tiến hành luật hóa để đảm bảo khung pháp lý thuận lợi, trong đó quy trách nhiệm cụ thể đối với toàn bộ các bên liên quan. Cơ sở hành lang pháp lý an toàn sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của các chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra mô hình hợp tác công tư nếu thực hiện không minh bạch thì khả năng xảy ra thất thoát là rất cao, đặc biệt đối với các công trình hạ tầng thường có quy mô lớn với hàng loạt các khoản chi khó xác định. Vi thế, cần thận trọng khi khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP).

Để mô hình hợp tác công tư phát huy hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ tập trung nghiên cứu để sớm thành lập Cơ quan chuyên trách về hợp tác công tư dựa theo kinh nghiệm thế giới để phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn lực trong nước và quốc tế, không chỉ riêng đối với các dự án tại TP.HCM mà trên phạm vi cả nước.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, thời gian tới, TP.HCM cần kiên trì kiến nghị Trung ương cho cơ chế tài chính đăc thù để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm, bởi theo luật ngân sách, cơ chế của TP.HCM hiện chỉ tương tự như các địa phương khác trên cả nước, trong khi tiềm năng và lợi thế phát triển của thành phố còn rất lớn.

  • 0
  • By Admin
  • 08/07/2016
  • 17