• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tái định cư

Tuy nhiên, một bộ phận không thể thiếu là các dự án tái định cư (TÐC) thì lại triển khai khá ì ạch. Ðể bảo đảm được sự phát triển ổn định, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm "tăng tốc" các dự án này.

Cầu nhiều, cung ít

Thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án của Tp.HCM cần quỹ nhà TÐC rất lớn để ổn định chỗ ở cho người dân bị giải tỏa. Qua thống kê, giai đoạn 2006-2010, thành phố có 512 dự án cần thực hiện TÐC với 67.543 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã di dời được 33.722 hộ.

Bên cạnh đó từ năm 2006 đến 2010 thành phố cũng triển khai chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch với mục tiêu chỉnh trang đô thị; chấm dứt việc lấn chiếm kênh rạch; di dời toàn bộ các hộ dân sống trên và ven kênh rạch nội thành; khôi phục và giải quyết tiêu thoát nước, giao thông thủy, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan... Chương trình này có 24.089 hộ bị ảnh hưởng, phải bố trí TÐC.

Ngoài ra, thành phố còn có 570 lô chung cư, nhà tập thể (quy mô 50.460 căn hộ) được xây dựng từ trước năm 1975 cần đánh giá lại chất lượng và thời hạn sử dụng. Trong đó có 178 lô đã quá hạn sử dụng, xuống cấp, không ít chung cư, nhà tập thể hư hỏng nặng, có thể sập bất cứ lúc nào, cần phải tháo dỡ và xây dựng lại.

Những con số về nhu cầu nhà TÐC nói trên chỉ là trước mắt, còn về lâu dài tiếp tục phát sinh bởi thành phố vẫn đang phát triển ồ ạt, quy hoạch đô thị thường xuyên điều chỉnh, dự án mới liên tục mở ra... Thế nhưng nhìn lại thời gian qua công tác TÐC vẫn chưa "đồng điệu" được với tốc độ phát triển đô thị.

Ðến nay thành phố mới đang triển khai được 132 dự án TÐC với 33.568 căn hộ và nền đất. Tính từ năm 2006 đến quý I/2011 thành phố mới chỉ xây dựng và mua lại 105 dự án với 20.392 căn hộ và nền đất. Trong đó 9.901 căn hộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (3.073 tỷ đồng), 10.704 căn hộ được mua lại theo Chỉ thị 24, Quyết định 167 và Quyết định 118 của UBND thành phố (6.522 tỷ đồng).

Trong số đó, các quận, huyện đã bố trí cho người dân được 6.107 căn hộ và 4.420 nền đất; 8.175 căn hộ và nền đất còn lại đã được đưa vào kế hoạch phục vụ cho các dự án trọng điểm của thành phố. Còn ở chương trình di dời, giải tỏa nhà ở ven và trên kênh rạch giai đoạn 2006-2010 đến nay mới di dời được hơn 8.300 hộ. Ban thường trực chương trình kênh rạch thành phố thừa nhận chương trình này sẽ còn phải kéo dài nhiều năm nữa, và phải đến năm 2015 mới có thể TÐC được cho khoảng 15.000 hộ.

Huy động các nguồn lực

Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nhà ở TÐC, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành liên quan trong vòng hai năm tới phải chuẩn bị đủ 4.715 căn hộ và nền đất để bố trí cho toàn bộ các hộ tạm cư trong thời gian dài. Qua đó ổn định cuộc sống cho các hộ tạm cư, giải tỏa bức xúc của người dân. Mới đây thành phố đã quyết định giữ lại, không bán 60 căn biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.

Trong các biệt thự này, thành phố sẽ sử dụng khoảng mười căn để xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở xã hội và nhà TÐC. Ðây là những giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, các quận, huyện đang rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng chung cư theo quy hoạch để chuẩn bị cho nhu cầu TÐC. Bên cạnh đó, khi giao đất cho các nhà đầu tư để thực hiện những dự án lớn ở các vùng vành đai thành phố thì phải dành quỹ đất cho chương trình nhà ở.

Tuy vậy, vấn đề nan giải nhất để thực hiện chương trình này vẫn là nguồn vốn. Ðể có thể tháo gỡ nút thắt này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo vốn trước mắt và lâu dài. Các quận, huyện đẩy nhanh việc bán đấu giá các căn nhà và khu đất đã được thành phố phê duyệt để có kinh phí xây dựng nhà ở. Thành phố cũng bố trí một nguồn vốn nhất định cho các quận, huyện để tạo quỹ nhà ở dự phòng (đầu tư xây dựng hoặc mua lại).

Còn để tạo được quỹ nhà ở một cách chủ động thì cần có cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư hoặc mua lại từ doanh nghiệp. Muốn vậy nên sử dụng ngân sách cân đối cho việc đầu tư xây dựng hoặc mua lại quỹ nhà của doanh nghiệp trong kế hoạch năm năm của thành phố và phân bổ trong kế hoạch hằng năm.

Thành phố cho các quận, huyện tạm ứng vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Một hướng khác nữa là thành phố cần bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển nhà ở, hàng năm cân đối kế hoạch vốn để Quỹ thực hiện chương trình nhà ở của thành phố. Ðể Quỹ thực hiện tốt hai chức năng huy động vốn và đầu tư phát triển quỹ nhà cần củng cố bộ máy, tạo điều kiện hơn nữa cho Quỹ hoạt động.

Một hình thức nữa mà các nhà kinh doanh bất động sản rất hào hứng đề nghị sớm hoàn thiện cơ chế và triển khai mạnh là "đổi đất lấy nhà", theo đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư quỹ nhà theo yêu cầu của thành phố và được nhận lại quỹ đất với giá trị tương ứng.

Cùng với phương thức tìm kiếm nguồn vốn, công tác quy hoạch cần có sự thay đổi. Trong quy hoạch chung tại các vùng ven nên xác định những dự án lớn để Nhà nước có thể tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội. Riêng những dự án có quy mô trên 10 ha phải dành ra không quá 20% quỹ đất ở để thành phố sử dụng cho phát triển nhà ở xã hội hoặc nhà TÐC.

Thành phố sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng quỹ nhà ở TÐC cũng như có những cơ chế hỗ trợ đối với các hộ dân TÐC nhằm giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân trong các khu TÐC và thuận lợi cho quá trình quản lý, sử dụng quỹ nhà ở TÐC. Trong quy chế này nên quy định mức thu phí quản lý, duy tu là 5%, đây là mức phí phù hợp với hiện tại và trong 5 đến 10 năm tới. Cụ thể, trong con số 5% trên thì 2% là chi phí quản lý (tính bằng 2% giá bán căn hộ), còn lại là chi phí duy tu, bảo dưỡng (tính bằng 3% giá bán căn hộ).

Ngoài ra, để hỗ trợ các hộ dân TÐC, khuyến khích người dân mua trả hết một lần nhằm thu hồi vốn nhanh, cần có những chính sách đặc biệt về phương thức thanh toán. Nếu mua trả một lần thì nên giảm 10% giá bán tại thời điểm thanh toán. Nếu mua trả chậm 12 tháng thì được giảm 2% trên giá bán; còn mua trả góp 15 năm thì thanh toán lần đầu bằng toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà và đất ở, số tiền còn lại được thanh toán ba tháng/lần với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Còn nếu thuê thì giá thuê bằng khấu hao 30 năm/giá bán.

(Theo Nhandan)

  • 135
  • By Admin
  • 24/08/2011
  • 17