Tp.HCM: Xuất hiện nhiều khu nhà hoang
Nhà xây thô bỏ hoang tại KDC Hà Đô quận 2, Tp.HCM. |
Dọc theo các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường… (quận 9), có đến hàng chục dự án đã được hình thành gần cả chục năm, được đầu tư hạ tầng, đường sá, nhưng mỗi dự án chỉ thưa thớt khoảng chục căn nhà được xây dựng. Ngay từ đầu đường Liên Phường, những dự án khu dân cư mới, như Kiến Á, Nhà Phú Nhuận... một thời “sốt giá” giao dịch với hàng nghìn sản phẩm, nhưng giờ tại mỗi dự án chỉ lèo tèo vài chục căn nhà được xây dựng.
Ngán ngẩm hơn là Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9), được Thủ tướng phê duyệt năm 2001, với diện tích hơn 82 ha. Trong đó, Công ty cổ phần Địa ốc 10 (Res 10) tiền thân là Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 được giao tới 785.529 m2 đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đầu tư, đến nay, dự án chỉ có vài căn nhà. Đường sá đã xây xong nay bị băm nát và trở thành bãi đỗ cho xe container. Nhiều khách hàng tại cụm dự án Bắc Rạch Chiếc than vãn, cho dù rất muốn xây dựng nhà để ở, nhưng hiện họ không thể xây, vì hạ tầng xuống cấp, các dịch vụ điện, nước đều không có...
Cũng tại quận 9, dọc theo đường Nguyễn Duy Trinh, hàng loạt dự án, như Bách Khoa, Khu nhà ở Long Trường... cũng là những mảng đất trống, không người ở. Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2005, có diện tích hơn 159 ha, từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9. Tuy nhiên, đến nay, dù đã được đầu tư hạ tầng, đường sá, nhưng dự án vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, với vài căn nhà được mọc lên.
Ở quận 2, nơi được xem là có vị trí chiến lược, là hàn thử biểu của thị trường địa ốc Tp.HCM, các dự án cũng lâm vào cảnh đất trống nhiều, người ở ít.
Ngay tại các dự án được đánh giá có vị trí đẹp như Huy Hoàng, Thế Kỷ hiện có mức giá giao dịch trên thị trường 50-70 triệu đồng mỗi m2, cũng rất ít người ở. Còn tại một số khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, nơi từng diễn ra khá sôi động mua bán đất nền, nhưng hiện vẫn chỉ là một cánh đồng mênh mông...
Điểm chung của phần lớn các khu dân cư, khu đô thị không có người ở tại Tp.HCM là tình trạng không có kết nối giao thông, không có hạ tầng xã hội. Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real, đơn vị chuyên phân phối bất động sản khu vực quận 2, quận 9 lý giải, sở dĩ những dự án này không có người ở trước hết là do phần lớn khách hàng mua đất trước đây là những nhà đầu cơ, chủ yếu mua đi bán lại, không có nhu cầu thực tế về nhà ở.
Không có người ở, nhưng giá đất ở những dự án kể trên được mua bán ở mức thấp nhất vào khoảng 10 triệu đồng mỗi m2, cao nhất có thể lên đến 50 đến 70 triệu đồng, tùy vị trí. Đất hoang lãng phí đã đành, lãng phí hơn nữa là hệ thống hạ tầng được xây dựng kèm theo các dự án.
Điện, đường, trường, trạm là những hạng mục buộc phải có của từng dự án, nhưng đầu tư còn dở dang thì lại bỏ không, nên hư hỏng, xuống cấp theo năm tháng. Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận xét, chỉ cần đi một vòng qua khu vực quận 2, quận 9 mà thấy xót xa do lãng phí. “Thực trạng này là do sự quản lý còn lỏng lẻo. Cần phải có một chiến lược về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rõ ràng, khu đất nào làm công nghiệp, khu đất nào làm đô thị, khu đất nào triển khai trước, khu đất nào triển khai sau và cân nhắc nên giao đất cho đơn vị nào đủ năng lực để triển khai dự án”, bà Loan nói.
Biệt thự bỏ hoang
Con đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây đi ngang qua quận 9 đã thành hình hài với những dầm cầu cạn nối nhau liền lạc. Một ngày không xa tuyến đường sẽ thông xe, đồng nghĩa quận 9 “lên đời”, từ bưng biền thành phố thị xông xênh! Đi theo con đường lởm chởm ổ gà nằm dưới chân đường cao tốc mới thấy, có lẽ người hưởng lợi lớn là các nhà đầu cơ địa ốc thứ thiệt, bởi hai bên chỉ là đất dự án nhà ở, nào là phân lô bán nền kiểu ngày xưa - trước Chỉ thị 08 của UBND Tp.HCM, dự án xây nhà theo Nghị định 181, bây giờ có cả chung cư bắt đầu lác đác mọc lên. Nhưng vì đi quá sớm, có dự án bây giờ biến thành nhà hoang, như trường hợp dự án Khang An.Dự án khu dân cư Khang An thuộc phường Phú Hữu, quận 9 do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Khang An (nay là Công ty CP Địa ốc Khang An) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 11.000m² đất, gồm 350 căn nhà, trong đó có 193 nhà liên kế vườn, 119 biệt thự song lập và 38 biệt thư đơn lập. Dự án đã triển khai từ trước cơn sốt đất năm 2007, giá trung bình một căn nhà phố diện tích khuôn viên đất 144m², xây thô gồm một trệt ba lầu, giá bán khoảng 3 tỷ đồng. Đường số 1, con đường gần đường cao tốc nhất, cách khoảng 150m nhìn thấy rõ việc xây dựng, nghe âm thanh vang lên từ đường cao tốc. Bao bọc khu dân cư gần như là khu đất trống, cũng là đất ruộng. Nhờ mùa mưa nên cỏ mọc cao ngút ngàn, đang được tận dụng nuôi ngựa, heo mọi, vịt xiêm, gà... Còn tại đường số 5, một đôi vợ chồng già có đầy đủ dụng cụ như cuốc, xuổng cải tạo một khu đất trống trước nhà ở bên kia đường để trồng rau. Nói chung trông như sinh hoạt của vùng miệt vườn chính hiệu.
Tuy nhiên, đó là những gì nhìn từ bên ngoài, còn thực chất đây là khu dân cư hiện đại, chỉ có biệt thự và nhà phố, khoảng 100 căn nhà đã xây xong phần thô, có căn được tô trét hồ bên ngoài; 12 tuyến đường dọc ngang khu dân cư được thảm bê tông! Chỉ có sự lạ đời là nhà bỏ hoang quá nhiều, khoảng 10 nóc nhà đang có người ở. 6 giờ tối, mặt trời lặn dần, khu dân cư thưa thớt bóng người. Những nhà có người ở thì sáng đèn, còn lại bóng tối bao trùm, một cảm giác lạnh lẽo, heo hút! Nguyên dãy nhà ở đường số 1 được chủ nhà xây bít các cửa chính, cửa sổ để nuôi chim yến, tiếng chim chót chét suốt ngày, ban đêm tiếng kêu rõ mồn một, khuấy động cả vùng quê tĩnh mịch!
Chủ nhân một căn nhà cho biết, ông là cán bộ công tác tại một tỉnh ở Tây Nguyên, mua căn nhà này vào năm 2008 cho con trai, hiện đang làm việc tại Bình Thạnh. Ông kể, ở đây sướng nhất là không khí trong lành, phong cảnh thanh bình, chứ thực ra lo lắng về những tiện ích cho cuộc sống. Đó là không có nhà trẻ, không có trường học, không có công viên, mặc dù các hạng mục này thể hiện rõ trong bản vẽ của dự án. Đáng ngại hơn, vì ở xa bệnh viện, đôi khi sợ trái gió trở trời, bị bệnh bất ngờ, hoặc vắng vẻ quá, sợ đi đêm đi hôm… Có lẽ đó là lý do giải thích tại sao hiện nay có quá ít người về ở. Chỉ tay về căn nhà kế bên đang bỏ hoang ông nói, nhà kế bên nuôi yến thất bại, chỉ có nhà ở đường số 1 nuôi yến có kết quả.
Khi đại lộ Đông Tây kết nối quận 2 liền một mạch cũng là lúc 112 căn biệt thự do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) xây dựng đã lên nhà cửa. Bắt tay xây dựng vào năm 2005, hiện nay ba cụm A, B, C đã được chủ đầu tư gấp rút xây dựng những hạng mục còn lại để bàn giao cho khách hàng. Số lượng nhà có người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại xây thô rồi bỏ hoang. Vì đang là mùa mưa nên tầng hầm của những căn nhà thô trở thành bể chứa nước mưa. Dây leo, cỏ dại chen chúc mọc len lỏi cao ngút đầu người. Dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô nằm trong tổng thể khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi với tổng diện tích 174ha. Tuy một khu đô thị rộng lớn như vậy nhưng hạ tầng phục vụ cho cuộc sống dân cư gần như số không, ngoại trừ việc xây dựng nhanh nhẩu của Hà Đô, còn lại nhà cửa thưa thớt, hoang vắng bóng người.
Chung cư tái định cư: Xuống cấp nghiêm trọng
Hàng ngàn căn hộ tại các chung cư bố trí tái định cư (TĐC) cũng đang bị bỏ hoang, thật lãng phí. Chung cư Tân Hưng, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, chỉ cách chợ Bến Thành 3km, có thể nói là một chung cư TĐC có vị trí cực kỳ đắc địa. Chung cư này chỉ có một “lỗi” vì tầm nhìn ngắn hạn, các nhà quy hoạch cho xây dựng 5 tầng, cầu thang bộ, thế là chỉ 5 năm sau đã biến thành “chung cư cấp 4” khi so với những chung cư hiện đại nằm sát bên cạnh, đã và đang xây từ 34 - 40 tầng như Sunrise, Thanh Bình! Nhưng lý do này không thể giải thích vì sao xây dựng từ năm 2006 đến nay chỉ có 23 hộ định cư, còn trên 50 căn bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Sen (Ban quản lý chung cư Tân Hưng) cho biết, vì nhà bỏ hoang nên xuống cấp rất nhanh, tất cả những “bệnh tật” xuất hiện: Thấm tường, thấm toa lét, bung gạch… Mặt khác, nhìn vào từ đường Nguyễn Hữu Thọ, cỏ mọc um tùm, bao vây cả khu chung cư, thiếu sinh khí!Nhà xây thô bỏ hoang tại Khu dân cư Khang An, quận 9, Tp.HCM. |
Tại chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8, cảnh tượng vắng vẻ bao trùm khắp nơi. Khu chung cư khá khang trang gồm 2 khối nhà cao 15 tầng, với tổng số 350 căn hộ diện tích từ 59 - 97m². Vì bỏ hoang hơn 3 năm nay nên nhiều hạng mục đã bắt đầu xuống cấp, các bức tường bị trẻ con vẽ bậy lên khắp nơi… Theo người dân sống lân cận, do không có ai quản lý nên nơi đây cũng là điểm cho dân xì ke tụ tập hút chích, quậy phá. Chung cư TĐC Bắc Rạch Chiếc quận 9 cũng thế, khánh thành 5 năm nhưng hiện chỉ có vài hộ dân sinh sống. Do không có người ở nên cửa sổ, lan can, nền, tường… đã xuống cấp, nứt toác.
Những câu chuyện nêu trên là vài nét chấm phá trên tổng thể bức tranh bất động sản của TP hiện tại. Rõ ràng, việc phát triển bất động sản thời gian qua chưa ổn, người này kêu thiếu nhà nhưng người khác lại bỏ nhà hoang, bàn tay điều tiết của nhà nước chưa thấy hiệu quả. Hiện nay, nhiều ý kiến yêu cầu phải cứu thị trường bất động sản, thế nhưng nếu như không chẩn đoán, mổ xẻ cho tận cùng để tìm rõ bệnh tình, thì bốc thuốc vội vàng xem chừng bệnh càng nặng thêm…
(Theo SGGP/Đầu tư)
- 215
- By Admin
- 30/07/2012
- 17