Tp.HCM: Xử lý vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch “treo” là vấn đề gây ra nhiều bức xúc cho người dân Tp.HCM trong nhiều năm qua khi người dân không được hưởng những quyền lợi chính đáng về nhà đất mà họ đang sở hữu.
Trong một động thái vào cuộc quyết liệt, tháng 10/2012, HĐND Tp.HCM ra Nghị quyết 16 để yêu cầu chính quyền thành phố tập trung chấn chỉnh, khắc phục thực trạng này.
Sau khi có Nghị quyết, UBND Tp.HCM ban hành nhiều văn bản với mục tiêu tháo gỡ nhiều vướng mắc theo hướng có lợi cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo” kéo dài.
Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết một cách triệt để.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện chủ trương, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín nói: “Các sở ngành, quận, huyện triển khai như thế nào mà người dân vẫn còn rất bức xúc. Bà con than phiền sao gỡ “treo” rồi mà chúng tôi vẫn còn bị “treo” hoài? Bà con còn nói không thấy có gì chuyển dịch mới cả”.
Theo chủ trương của UBND Tp.HCM, nhà đất trong vùng quy hoạch “treo” vẫn được
cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, vì nhiều lý do khác nhau, trên thực tế tồn tại hàng chục ngàn trường hợp nhà đất trên địa bàn thành phố có vi phạm quy định pháp luật về xây dựng. Về nguyên tắc, nếu có sai phạm thì buộc phải xử lý nhưng thực hiện thì không khả thi vì gây xáo trộn, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của rất nhiều gia đình. Do đó, cần phải có hướng xử lý hài hòa giữa vấn đề quản lý nhà nước và sự ổn định đời sống của người dân.
Đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, ông Tín cho biết thành phố xử lý theo hướng sẽ cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp mua bán suất tái định cư bằng giấy tờ viết tay trước ngày 1/7/2004.
Những trường hợp mua bán nhà đất bình thường bằng giấy tờ viết tay (giữa cá nhân với cá nhân) sau ngày 1/7/2004 cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận nếu ở ổn định, không có tranh chấp nhưng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đối với nhà ở lấn chiếm sông, kênh rạch, theo ông Tín, về lâu dài thì phải giải tỏa hết nhưng hiện tại thành phố không có khả năng thực hiện vì thiếu kinh phí. Do đó, phải tiến hành cấp phép cho người dân sửa chữa để ở, chứ không thể cứ để người dân sống tạm bợ, chịu nguy hiểm đến tính mạng vì nguy cơ sập đổ.
“Nếu nhà ở những khu vực nguy cơ sạt lở cao thì dứt khoát không cấp phép xây dựng hay sửa chữa, mà phải có chính sách hỗ trợ di dời, chứ hôm nay mình cấp rồi hôm sau bị sạt lở, sập đổ hết thì chết nữa”, ông Tín lưu ý.
Không chỉ cứ nghĩ đến quyền lợi của nhà quản lý…
Theo ông Tín, chủ trương của thành phố là tháo gỡ những tồn tại của thực tiễn vì cuộc sống ổn định của người dân, chứ không phải xử lý rồi “tiếp tay” cho vi phạm tái diễn.
Ông Tín yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc thực hiện các chủ trương của thành phố đã ban hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho người dân trong vùng quy hoạch “treo”; cấp phép xây dựng, sửa chữa cho người dân có nhà ở trên đất nông nghiệp theo hiện trạng; tách thửa cho những hộ dân có nhu cầu về nhà ở…
Ông Tín cũng yêu cầu các quận, huyện không được ghi chú thêm vào giấy chứng nhận các nội dung: nhà ở nằm trong vùng quy hoạch, hoặc nhà ở nằm trên đường dự phóng…, mà chỉ thể hiện đúng theo hiện trạng “vì ghi chú thêm như thế sẽ làm khổ thêm cho người dân”.
“Chúng ta không thể vẽ một cái vòng (ý nói chủ trương, chính sách) rồi đứng vào trong đó mà lại không biết đường ra (không giải quyết được vấn đề thực tiễn). Xử lý chuyện của dân đừng có quá cứng nhắc, không chỉ cứ nghĩ đến quyền lợi của nhà quản lý mà không chú ý gì đến quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Tín nói.
Tại buổi làm việc, ông Tín cũng nêu ra một vấn đề tồn tại gây nhiều bức xúc, là doanh nghiệp xây dựng công trình lớn vì mục đích kinh doanh có sai phạm về xây dựng nghiêm trọng, gây thất thu ngân sách nhà nước thì cứ im re, không ai xử lý, trong khi đó nhà dân xây lố một chút thì “chặt” khiến bà con la làng lên.
Ông Tín cho biết trong tuần tới sẽ trực tiếp làm việc với 24 quận, huyện và các sở ngành chức năng để thống nhất lại biện pháp giải quyết một cách triệt để hơn nữa, chứ không thể để tình trạng chủ trương đã ban hành rồi mà các quận, huyện không triển khai trên thực tế, dẫn đến hệ lụy là bức xúc của người dân cứ kéo dài.
- 164
- By Admin
- 04/06/2014
- 17