Tp.HCM: Văn phòng "hạng A" phải chào bán giá gốc
Bốn năm sau cơn sốt bất động sản với cảnh các nhà đầu tư ăn chực nằm chờ để mua các căn hộ còn chưa được xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam một thời nóng bỏng nay đã bắt đầu nguội lạnh.Các chuyên gia cho biết tình trạng lạm phát và lãi suất cao cùng với việc chính phủ ban hành chính sách hạn chế tín dụng khiến giá cả và các ưu đãi để kích cầu người mua nhà đều giảm xuống. Trong khi đó, giới thuê văn phòng được hưởng lợi từ sự dư thừa nguồn cung của thị trường bất động sản.
Ông Brad Gee, Giám đốc quản lý bất động sản tại Tòa tháp Tài chính Bitexco cao 68 tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), chia sẻ: "Thị trường đang thực sự, thực sự, thực sự khó khăn".
Tòa nhà chọc trời này mở cửa vào cuối năm ngoái nhưng đến nay chỉ có hơn 40% diện tích văn phòng có người thuê.
"Rõ ràng là chúng tôi phải chấp nhận cho thuê với mức giá rẻ", nhưng đấy là tình trạng chung của thị trường, ông Gee cho hay.
Một nhà quản lý cho thuê bất động sản tiết lộ rằng tiền thuê hằng tháng đối với những văn phòng chất lượng hàng đầu tại Tp. HCM tại thời điểm nóng nhất (2007-2008) có thể lên tới mức giá 100 đô-la Mỹ/m2 nhưng nay giảm xuống còn chưa được một nửa.
Các nhà phân tích cho hay, lãi suất cao khi chính phủ Việt Nam nỗ lực kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh nhà ở.
"Nhiều ngân hàng được yêu cầu giới hạn cho vay vốn đối với các công ty kinh doanh bất động sản và các ngành công nghiệp phi sản xuất. Ngay cả khi họ có thể cho vay thì mức lãi suất sẽ rơi vào khoảng từ 20 đến 25%”, ông Craig Wallace, công ty tư vấn bất động sản DTZ, cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, với thực trạng này, rất khó có thể xây dựng hay đầu tư vào phát triển bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản cho biết, từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2011 giá các căn hộ sang trọng tại thành phố đã giảm hơn 17%, còn khoảng 1.500 đô-la/m2.
Tuy nhiên, trong khi giá bất động sản đang ngày càng trở nên phải chăng hơn thì những người lẽ ra có thể trở thành chủ sở hữu một ngôi nhà lại mắc kẹt với việc tín dụng cho vay bị siết chặt, tức là họ không thể thế chấp để vay, trừ khi họ chấp nhận vay với lãi suất ‘cắt cổ’.
Ông Thái Quang Trung, giám đốc nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, nhận thấy bản thân ông cũng bị mắc kẹt vào chính những vấn đề mà ông đang nghiên cứu. Phải trả một khoản tiền lớn để thuê căn hộ, ông đã nghĩ đến việc mua một căn hộ riêng nhưng lại bị cản trở bởi những lo ngại về tài chính.
Ông Trung nghi ngại rằng nhiều bạn trẻ khác sẽ gặp phải tình trạng tương tự nếu như họ dựa vào tiền lương của mình để chi trả cho việc mua nhà.
“Tôi đành tiếp tục thuê nhà”, ông nói.
Do chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 2 con số cùng với lượng dự trữ ngoại tệ sụt giảm và đồng tiền suy yếu sau một thời gian dài tập trung vào tăng trưởng kinh tế nên trong tháng Hai vừa qua, Việt Nam đã chuyển hướng sang bình ổn nền kinh tế.
Các giải pháp bao gồm tăng lãi suất, cắt giảm chi tiêu công và giữ mức tăng trưởng tín dụng hoặc các khoản vay ở dưới mức 20%.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng chính phủ cần bám sát gói giải pháp bình ổn để kiểm soát hàng loạt mất cân đối kinh tế của đất nước, trong đó tỷ lệ lạm phát vượt quá 20%, mức cao nhất ở Châu Á.
“Các biện pháp của chính phủ trong việc đẩy lãi suất lên đã làm ảnh hưởng đến ngành kinh doanh bất động sản”, ông Wallace nhận xét.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ngày càng ít dự án được khởi công.
“Rõ ràng, chúng ta thấy một số dự án bị trì hoãn. Người ta cố gắng tránh xuất hiện trên thị trường vào thời điểm này”, ông Trung nói.
Các nhà phân tích cho biết, đối với những tòa nhà được đưa ra bán trên thị trường trong thời gian suy thoái, chủ đầu tư chào bán với mức giá thấp hơn, hay có ưu đãi tài chính và thậm chí bốc thăm may mắn và khuyến mại đồ nội thất.
Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM đã kiến nghị chính phủ giảm dần lãi suất. “Tôi nghĩ rằng tình hình thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn… đối với cả các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng”, Chủ tịch Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Ngành kinh doanh bất động sản đang mong đợi ‘liều thuốc’ cứu trợ có thể xuất hiện vào năm tới.
Ông Wallace của DTZ bày tỏ hy vọng rằng đầu năm 2012 chính phủ sẽ có những biện pháp nới lỏng một số chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, trong khi đó ông Gee nói rằng ông “linh cảm” suy thoái có thể sẽ kéo dài tới tận quý I năm tới.
Huỳnh Bửu Trân, giám đốc kinh doanh và đầu tư của tập đoàn Jones Lang LaSalle, cho biết tiềm năng thị trường được phản ánh dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, trong đó hơn 60% có việc làm.
“Trong số đó có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn sở hữu một ngôi nhà riêng”, bà nói. “Vì vậy, về cơ bản tôi tin rằng trong dài hạn, vẫn có rất nhiều cơ hội tăng trưởng”.
(Theo ABC/AFP/CafeF)
- 0
- By Admin
- 17/10/2011
- 17